(TBKTSG)
- Hóa ra, mấy mươi năm tập trung phát triển ngành mía đường, Việt Nam vẫn còn
thua xa Lào, thì lấy gì cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ để tồn tại, chứ đừng
nói đến phát triển! Câu chuyện nhập đường từ Lào chỉ là giọt nước làm tràn
ly. Phát triển ngành mía đường ra sao phải nhìn lại từ góc độ chọn lựa chính
sách.
|
Bài liên quan:
Một lần nữa, câu chuyện “nhập -
xuất” làm dậy sóng ngành mía đường. Đề nghị “nhập đường từ Lào, rồi tái xuất”
của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được ngành chức năng “đặt lên bàn”, bị dư luận
phản ứng gay gắt chẳng qua vì nó là “giọt nước” làm tràn ly.
Bình tĩnh lại để cân nhắc và hiện
đại hóa ngành mía đường trước khi đẩy nó vào “chân tường” là việc nên làm.
Yêu cầu đó đòi hỏi sự tiếp cận đa ngành và phối hợp đồng bộ để “sửa lỗi hệ
thống” hơn là phó thác việc điều hành một ngành kinh tế quan trọng liên quan
hàng chục triệu nông dân, hàng vạn công nhân đang làm việc tại 40 nhà máy
đường cho “từng ông”: nông nghiệp lo sản xuất, công thương lo thị
trường!
Cây mía bị chặt làm nhiều lóng
Chương trình mục tiêu quốc gia 1
triệu tấn đường là niềm mơ ước hơn một thập niên trước, nay đã vượt xa với
sản lượng đường niên vụ 2012-2013 đạt hơn 1,53 triệu tấn. Cân đối cung - cầu,
lượng đường sản xuất thừa khoảng 400.000 tấn/năm, tồn kho khoảng 300.000 tấn.
Ngành đường còn bị mất một phần ba thị phần nội địa do 400.000-500.000 tấn
đường nhập lậu mỗi năm. Trong khi đó, nước ta còn phải nhập khoảng
70.000-80.000 tấn đường theo cam kết WTO. Lượng đường thừa, câu chuyện “khắc
nhập, khắc xuất” trở thành “câu thần chú” chi phối toàn bộ ngành mía đường
Việt Nam.
Sản xuất đường ở nước ta có sức cạnh
tranh kém, giá thành sản xuất cao. Đường nhập khẩu giá rẻ hơn đường nội địa.
Ngoài việc lo chống nhập lậu đường, việc nhập khẩu chính ngạch, cần được
chính danh và minh bạch. Theo các chuyên gia, việc nhập và danh sách ai được
phép nhập đường các năm qua gần như là bí mật... quốc gia. Theo quy định, các
doanh nghiệp sử dụng đường tinh RE để sản xuất phải mua đường theo giá trong
nước. Nhưng bên cạnh đó, có doanh nghiệp được nhập khẩu đường để chế biến với
giá giao dịch trên thị trường thế giới; theo thời giá, rẻ hơn trong nước
khoảng 4.000-5.000 đồng/ki lô gam. Với mức nhập khẩu hàng năm khoảng 70.000
tấn đường, “nhóm lợi ích” này hưởng lợi khoảng 300 tỉ đồng. Đây là khoản tiền
không nhỏ đáng ra cần được “minh bạch” trong chính sách xuất nhập khẩu đường
để công khai đầu tư lại cho người trồng mía, phát triển ngành đường. Trong
bối cảnh đó, việc nhập đường từ Lào về Việt Nam chế biến để xuất khẩu theo đề
nghị của một doanh nghiệp, ai dám đảm bảo không gây ra nhiều hệ lụy? Chưa kể,
nó sẽ tạo ra tiền lệ “hợp thức hóa” cho cho việc “chở củi về rừng”.
Người tiêu dùng được hưởng lợi sản
phẩm chất lượng cao, giá thấp là nhu cầu chính đáng, nhưng nó phải là kết quả
của sản xuất cạnh tranh, chứ không phải là các chiêu trò “xuất - nhập”, nguy
cơ phá vỡ sản xuất.
Ở góc độ lợi ích, các doanh nghiệp
sử dụng đường làm nguyên liệu thích dùng đường ngoại hơn vì chất lượng tốt
hơn, giá rẻ hơn đường nội. Cũng bảo vệ lợi ích của mình, các nhà máy đường
chỉ ép mía cầm chừng hoặc ngưng hoạt động khi giá đường xuống, khó kiếm lời.
Hệ quả là người trồng mía lãnh đủ. Lỗ lã đến mức người nông dân hè nhau bỏ
mía, thì tác động trở lại, nhà máy đường thiếu nguyên liệu phải ngưng hoạt
động. Cái vòng luẩn quẩn đó kìm hãm sự phát triển của ngành mía đường nhiều
năm qua chưa có lời giải căn cơ. Ngành đường đang bị chia cắt với những lợi
ích khác nhau: nhà máy đường, doanh nghiệp sử dụng đường và nông dân. Cây mía
đang bị chặt ra thành nhiều lóng, mà lợi ích của người trồng mía luôn bị teo
tóp.
“Sửa lỗi hệ thống”
Để hài hòa lợi ích, nhà máy đường
mua mía của nông dân theo chính sách “bảo hiểm giá”. Đây là giải pháp cần,
nhưng cũng không thể duy trì mãi khi ngành đường thế giới đã có bước tiến dài
trong tất cả các khâu: giống, kỹ thuật canh tác - năng suất cao, chất
lượng tốt, chế biến tinh, phát triển nhiều sản phẩm sau đường và đặc biệt là
“cơ chế điều hành” không bị “rối tung”. Các chuyên gia còn phân tích, sở dĩ
có câu chuyện “nhập đường từ Lào” vì giá thành sản xuất đường ở đây thấp hơn
nhiều so với nước ta. Hóa ra, mấy mươi năm tập trung phát triển ngành mía
đường, Việt Nam vẫn còn thua xa người anh em láng giềng, thì lấy gì cạnh
tranh với Thái Lan, Ấn Độ để tồn tại, chứ đừng nói đến phát triển!
Xuất nhập khẩu đường, quản lý điều
hành với sự can thiệp bằng các công cụ thuế, hạn ngạch và hàng loạt chính
sách khác đối với loại hàng hóa nhạy cảm như đường mía là rất cần thiết.
Nhưng dường như số phận của cây mía, hạt đường đang bị đánh đu do sự bất cập
của công tác quản lý, điều hành. Yêu cầu phát triển ngành mía đường không chỉ
là việc quản lý tốt “khắc nhập” hay “khắc xuất” đường. Khắc phục bế tắc trong
khâu tiêu thụ, nguy cơ đóng cửa nhà máy, nông dân chặt bỏ mía, mà quản lý
ngành đường tốt còn giúp kiểm soát được tình trạng tạm nhập tái xuất đường
đang bị lợi dụng; có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển ngành mía
đường trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh quyết liệt.
Giải bài toán mía đường cần tư duy
hệ thống, cơ chế, chính sách và nhiều giải pháp điều hành đồng bộ. Ngành mía
đường cần sự thay đổi mạnh mẽ, từ quy hoạch, đến đầu tư tăng năng suất, chất
lượng mía nguyên liệu, sản phẩm đường, sau đường; từ giảm giá thành, tăng sức
cạnh tranh đến những giải pháp chỉ đạo điều hành linh hoạt, chặt chẽ trong
từng thời điểm mà việc hài hòa lợi ích nông dân - nhà máy đường - doanh
nghiệp sử dụng đường... là yêu cầu bức thiết.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét