ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Tại hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập” diễn ra ngày 5.12 ở Hà Nội, hầu hết các nhà khoa học và làm chính sách nông nghiệp đã phải bất lực trước đề bài là vẽ lên chân dung người nông dân Việt Nam.
Dù đã được chuẩn bị trước, nhưng hai bức tranh chính là “Chân dung người nông dân Việt Nam” của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn và “Bức tranh nghèo và các thiết chế xã hội trong phát triển nông thôn” - của tổ chức Oxfam đều bị các đại biểu chê là “thiếu nét”.
Chủ tịch hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng đã là chân dung thì phải rõ nét, khác toàn cảnh, song ở đây mới là một số hình hài của bức tranh toàn cảnh. Ông Cường nói: chân dung người nông dân hiện nay phải gắn với “năm cái nhất”: đông nhất, hy sinh đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, hưởng lợi từ thành quả của đổi mới ít nhất và có nhiều bức xúc nhất. Về chân dung người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, theo ông Cường phải đầy đủ các tiêu chí như:
Trình độ khoa học công nghệ ở mức nhất định,; thạo nghề, lành nghề nông, muốn thế phải đào tạo, được dạy; có kiến thức sản xuất hàng hóa, có kiến thức kinh tế thị trường; phải biết sử dụng công cụ phương tiện cơ giáo tin học vào sản xuất mới phù hợp thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa; Tuy vậy, làm thế nào để chuyện từ chân dung như hiện nay sang hình mẫu đó, ai là người làm và bằng cách nào thì ông Cường nói “chưa rõ”.
Nhận xét về bức chân dung người nông dân hiện tại, GS Nguyễn Lân Hùng nói rằng đó đều là những nét vẽ quá hàn lâm và xa lạ. Còn để người dân tương lai như mong muốn thì cũng một chặng đường rất xa với cách làm như hiện giờ. “Ta đã xây cả nghìn trung tâm dạy nghề nhưng chỉ xây nhà 3-4 tầng chứ ai dạy gì không biết. Đâu đâu cũng dạy đan mây tre, cả nhà làm cả ngày được 30.000 đồng”, GS Hùng nói.
Theo ông, chúng ta cứ nói phải chuyển giao khoa học cho nông dân nhưng biện pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật thì chưa được chú ý. Giơ cả một tập sách 100 nghề làm giàu cho nông dân, nào là sách dạy nuôi cầy hương, sách dạy nuôi giun, sách dạy trồng nấm, mỗi cuốn độ mươi chục trang, ông Hùng nói: kêu kêu gọi các nhà khoa học phải làm sao chuyển tải tiến bộ khoa học đến nông dân bằng cách dễ hiểu nhất, sao để người nông dân đọc vừa hiểu vừa cười phá lên. “Trong khi viện Hàn lâm khoa học công nghệ chỉ là một cái máy nghiền tiền”, ông nói.
GS Nguyễn Xuân Thắng, chủ tịch viện Hàn lâm khoa học xã hội cho biết: nghiên cứu khoa học công nghệ cho nông dân chính là ở chỗ chọn phân nào, giống nào cho năng suất cao, lai ghép cây thế nào không bị phương hại…chứ không phải kiểu làm thế nào để…đi vào vũ trụ!
GS Nguyễn Lân Dũng thì kể câu chuyện nguyên bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đố ông về mạng số người nông dân.
“Anh Ngọ bảo mạng số của nông dân là 1683 (tức ngày 1.6 và 8.3) vì ở nông thôn hiện chỉ toàn trẻ em và phụ nữ bởi trai tráng đã ly hương vì thu nhập mỗi ngày 2 ngàn đồng”, GS Dũng kể chuyện thật mà như đùa.
Ông nói tiếp đầy chua xót: Chúng ta có danh xuất khẩu gạo số 1 thế giới nhưng tiền xuất khẩu gạo chỉ đủ bù để nhập ngô và đậu tương cho thức ăn chăn nuôi. “Chúng ta nên nâng cao bình quân lương thực đầu người hơn là danh hiệu đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo”, ông nói.
GS Nguyễn Xuân Thắng thừa nhận, đây là lần đầu bàn trực tiếp về chân dung của người nông dân nên để khái quát lên được chân dung của người nông dân là điều không dễ. Vì thế cần thêm nhiều hội thảo chuyên đề để từng bước nhận diện người nông dân hiện nay đạt được cái gì, cái gì chưa để tìm lối ra. Ông nói: Hình ảnh của người nông dân hiện rất đa dạng: thuần nông, phi nông nghiệp tại nông thôn, làm dịch vụ nhưng tiếp cận kiểu… nông dân, và có cả doanh nhân là nông dân…
Nhận diện được chân dung của nông dân thì mới tìm được lôi ra cho họ, để khắc phục việc lúng túng trong mô hình cho nông nghiệp nông dân mà có vẻ chúng ta đang mắc phải.
Lâm Khoa
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Liên kết vùng - ANLT
Nhãn:
Liên kết vùng - ANLT
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét