Vụ Công an Tiền Giang bắt, xử lý nhóm người nước ngoài thu gom
trái cây, tẩm hoá chất lạ, dán nhãn, xuất khẩu... một lần nữa cho thấy hoạt
động gian dối, chụp giật của thương lái ngoại cần xử lý nghiêm khắc.
Vừa qua,
nhiều mặt hàng nông sản trong vùng ĐBSCL đã bị các thương lái Trung Quốc thu
gom. Chiêu thức thông thường của họ là ồ ạt thu mua, đẩy giá lên cao bất
thường, rồi đột ngột hạ giá thấp, ngừng ăn hàng. Nhiều người cả tin, hám lợi đã
phải chịu thiệt. Hầu hết các “lái ngoại” này đều không phải là thương nhân. Họ
không có đăng ký và được phép hoạt động thương mại chính thức. Cách “đối phó”
của họ là sử dụng hộ chiếu du lịch để nhập cảnh, rồi thông qua thương lái trong
nước để giao dịch, mua bán. Khi bị cơ quan chức năng “hỏi thăm” thì “vô can”.
Việc “lái
ngoại” sử dụng hoá chất lạ, hại trái cây nội ở Tiền Giang và một số địa phương
vừa qua chỉ là biểu hiện của một vài chiêu thức làm ăn chụp giật đã từng xảy
ra. Vấn đề quan trọng hơn đặt ra là, tại sao những người này dễ dàng làm giá,
thao túng thị trường, sử dụng các chiêu trò bất chính? Liệu họ có thể “một mình
một chợ” nếu không có sự tiếp tay của thương nhân nội và quản lý nhà nước hiệu
quả hơn?
Thực trạng
cho thấy, nông thôn miền Tây đang thiếu một kênh thu mua nông sản chính thức,
năng động và ổn định; còn phải qua nhiều trung gian, mất nhiều chi phí nên các
“tay buôn ngoại” dễ lợi dụng tâm lý cả tin, hám lợi, dễ chấp nhận may rủi của
người dân để “làm mưa, làm gió”.
Bài học rút
ra từ các vụ thương lái ngoại thao túng thị trường nội là từng địa phương cần
xác định những mặt hàng nông sản chủ yếu và lĩnh vực quản lý cần phải tăng
cường, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kiên quyết xử lý các hoạt động thu
gom nông sản trái phép, sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc. Bên cạnh việc tăng
cường xử phạt hành chính, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo ra nhiều thị
trường tiêu thụ để không lệ thuộc vào thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệp,
thương nhân trong nước phải đủ mạnh, nông dân không chỉ biết làm nông nghiệp mà
còn phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật và kinh doanh - thương mại. Đó là
cách thức cơ bản lâu dài, vừa tạo điều kiện cho thương nhân ngoại làm ăn chân
chính, vừa phát huy vai trò của thương lái trong nền kinh tế thị trường và bảo vệ
được lợi ích nông dân, bảo vệ uy tín, chất lượng của nông sản Việt.
Nhận xét
Đăng nhận xét