Tranh chấp kinh doanh thương mại tòa nhà Master Building (quận 3, TPHCM): Tòa thành phố “xé” luật “phá” án
Việc vi phạm thẩm quyền
tố tụng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về các “quan” tòa TPHCM.
Làm lơ một quyết định
phúc thẩm của chính mình, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM đã tự cho mình quyền
kháng nghị giám đốc thẩm và xét xử giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm, tạo điều kiện
cho bị đơn chiếm dụng hơn 100 tỉ đồng tiền thuê nhà của nguyên đơn.
“Vô tiền khoáng hậu”
Ngày 8.12.2009, TAND
quận 3 (TPHCM) thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng thuê nhà theo đơn khởi kiện của
Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Kim Long đòi Cty CP tư vấn và đầu tư địa ốc
Hợp Nhất - Uniland trả lại tòa nhà Master Building (địa chỉ 41-43 Trần Cao Vân,
phường 6, quận 3).
Trải qua 13 lần phải
hoãn phiên tòa, ngày 20.1.2012, TAND quận 3 đã tuyên Cty Hợp Nhất - Uniland
phải trả lại tòa nhà cho Cty Kim Long với lý do Cty Hợp Nhất - Uniland đã không
thanh toán tiền thuê nhà đúng hạn, vi phạm hợp đồng giữa hai bên (Bản án sơ thẩm
số 01/2012/KDTM-ST).
Ngày 21.2.2012, Cty Hợp
Nhất - Uniland đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung: Bản án
sơ thẩm xét xử chưa khách quan, không phù hợp quy định của pháp luật, không đảm
bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Hợp Nhất - Uniland.
Thế nhưng, tại phiên tòa
phúc thẩm ngày 22.6.2012 của TAND TPHCM, đại diện Cty Hợp Nhất - Uniland đã có
đơn xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo, buộc thẩm phán - chủ tọa phiên tòa
Nguyễn Văn Xuân - ra “Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh
thương mại” (số 702/QĐPT-KDTM) tuyên “Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số
01/2012/KDTM-ST ngày 20.1.2012 của TAND quận 3 (TPHCM) có hiệu lực pháp luật...
Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay sau khi tuyên án”.
Mọi chuyện đến đây diễn
ra bình thường theo đúng trình tự tố tụng của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy
nhiên, trong lúc Cty Kim Long đang yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận 3
thi hành án, thì Cty Kim Long mới té ngửa ra khi được thông báo Cty Hợp Nhất -
Uniland đã có trong tay quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND TPHCM tạm
đình chỉ thi hành bản án sơ thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Bình luận về quyết định
kháng nghị giám đốc thẩm của TAND TPHCM, một luật sư đã có 20 năm kinh nghiệm
cho biết: “Tôi cũng sững sờ khi đọc quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của
TAND TPHCM. Có thể nói tòa án thành phố đã “xé” luật khi tự cho mình quyền
kháng nghị giám đốc thẩm một vụ án đã có quyết định phúc thẩm của chính tòa
thành phố. Thật vô tiền khoáng hậu!”.
Biết luật, vẫn làm sai
(?!)
Đọc Quyết định kháng
nghị giám đốc thẩm (số 01/2012/QĐKN-KDTM-GĐT ngày 18.8.2012) của TAND TPHCM và
Quyết định xét xử giám đốc thẩm (số 35/2012/QDDS-GĐT ngày 28.8.2012) của Ủy ban
Thẩm phán TAND TPHCM, PV Báo Lao Động nhận thấy một điều các “quan” tòa của
TPHCM hoàn toàn nắm luật rất chắc. Bằng chứng là cả quyết định kháng nghị lẫn
quyết định giám đốc thẩm đều không hề nhắc một từ nào đến Quyết định phúc thẩm
số 702/2012/QĐPT-KDTM ngày 22.6.2012 của TAND TPHCM.
Điều này khẳng định là
các “quan” tòa TPHCM thừa biết rằng mình không có quyền kháng nghị và xét xử
giám đốc thẩm vụ án theo trình tự tố tụng luật đã quy định. Vậy động cơ nào
khiến họ cố ý làm trái?
Một bằng chứng nữa về sự
biết sai vẫn cố làm là sự lẩn trốn trách nhiệm. Cả quyết định kháng nghị lẫn
quyết định giám đốc thẩm đều do Phó Chánh án Trần Văn Sự ký thay Chánh án TAND
TPHCM Bùi Hoàng Danh, mặc dù quyết định giám đốc thẩm ngày 28.8.2012 ghi rõ ông
Bùi Hoàng Danh - Chánh án TAND TPHCM - “làm chủ tọa phiên tòa”.
Theo phản ánh của ông Vũ
Trung Hiếu - đại diện ủy quyền của Cty Kim Long - chỉ hai ngày sau khi ông Trần
Văn Sự đặt bút ký quyết định giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm, ông Sự đã nhận quyết
định nghỉ hưu.
Việc các “quan” tòa
TPHCM bỏ qua quyết định phúc thẩm để giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm đã dẫn đến
một tình huống pháp lý vô cùng “thú vị” là Quyết định phúc thẩm số
702/2012/QĐPT-KDTM vẫn có hiệu lực song song với Quyết định giám đốc thẩm số
35/2012/QĐDS-GĐT(?!).
Để làm rõ những điều bất
thường trong việc ra quyết định kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm đối với
vụ án tranh chấp hợp đồng thuê tòa nhà Master Building, ngày 26 và 27.11 PV Báo
Lao Động đã đến TAND TPHCM, đề nghị được làm việc với lãnh đạo tòa. Tuy nhiên,
thư ký của bà Phó Chánh án Hà Thúy Yến cho biết, chánh án đã đi viện mổ sỏi
thận, còn phó chánh án không được ủy quyền để trả lời báo chí. Hiện PV Báo Lao
Động đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo TAND TPHCM.
Quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
- Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh có quyền kháng
nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
của TAND cấp huyện. (Khoản 2, Điều 285)
Thẩm quyền giám đốc thẩm Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị kháng nghị. (Khoản 1, Điều 291). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 |
Nhận xét
Đăng nhận xét