Bài 1: Người giữ dáng lụa Tân Châu
"Bên nàng mặc Lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần"
Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Long, thường gọi Tám Lăng, vừa nâng niu xấp lụa đen huyền trên tay, đọc cho tôi nghe mấy câu ca dao về một thời hoàng kim của làng lụa Tân Châu. Làng nghề giờ chỉ còn mình ông đeo nghề bám nghiệp với tâm niệm "Một đời mang nghiệp tằm tang, giờ bỏ sao đành…" và với hy vọng Lãnh Mỹ A sẽ lại "sống" những tháng ngày huy hoàng.
Lãnh Mỹ A một thuở hoàng kim
Làng lụa Tân Châu xưa gồm các phường Long Châu, Long Hưng và Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ngày nay, nằm ven đầu nguồn sông Tiền. Năm nay đã 86 tuổi, nghệ nhân Tám Lăng được xem là người cố cựu của vùng đất này nhưng cũng không biết chính xác làng nghề có từ bao giờ. Ông chỉ nhớ khi lớn lên ông đã thấy bà, mẹ và các chị quay tơ dệt lụa, còn cha ông nhuộm lụa bằng trái mặc nưa. Hình ảnh các cô gái mặc bộ đồ bà ba bằng Lãnh Mỹ A đen huyền trong nắng ban mai đến giờ vẫn là ấn tượng khó phai trong tâm trí ông. Ông Tám Lăng cho biết, khoảng giữa thế kỷ XX, làng lụa Tân Châu được sánh ngang với 3 làng lụa nổi tiếng khác là Hà Đông (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam) và Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Thợ nhuộm Lãnh Mỹ A.
Lụa Tân Châu nổi tiếng với tên gọi Lãnh Mỹ A được dệt bằng sợi tơ xuyên, chỉ có duy nhất màu đen huyền, không bao giờ phai màu, dù khi lụa đã rách. Những xấp lụa bóng loáng, dày dặn nhưng mặc mềm rũ, mát lạnh, không co giãn, từng là ước mơ của bao phụ nữ thời bấy giờ. Nhắc đến Lãnh Mỹ A phải nói đến kỹ thuật nhuộm màu rất đặc biệt bằng trái mặc nưa. Ông Tám Lăng dẫn tôi ra bãi đất trống hàng chục công phía sau nhà, nơi có những thợ nhuộm và những dãy lụa trắng. Lãnh Mỹ A khi dệt ra có màu trắng của tơ, được nhúng vào dung dịch pha từ trái mặc nưa giã nát với nước sạch. Dung dịch mủ trái mặc nưa màu trắng đục nhưng khi nhúng lụa vào lại cho ra màu đen huyền! Để có một tấm Lãnh Mỹ A, các thợ nhuộm phải mất hơn một tháng trời chỉ với công việc: nhúng lụa vào nước trái mặc nưa, vắt rồi đem phơi khô, sau đó lại tiếp tục…
Cầm xấp lụa trên tay, ông Tám Lăng kể rằng hồi trước, do khung dệt còn thô sơ nên Lãnh Mỹ A chỉ có khổ 4 tấc, gọi là Cẩm Tự, người may đồ phải nối, ráp nhiều đường may nên không đẹp lắm. Sau nhiều lần cải tiến, gần 40 năm qua, Lãnh Mỹ A đã có khổ 9 tấc. Trong tâm trí của lão nghệ nhân đầy tâm huyết với nghề, làng lụa Tân Châu thời hưng thịnh, khoảng những năm 1930-1970, hầu hết người dân Tân Châu ở đoạn từ trung tâm thị xã Tân Châu đến Vịnh Đồn ngày nay đều sống bằng nghề ươm tơ dệt lụa. Đi đâu người ta cũng thấy những vườn dâu xanh mút mắt, những gốc mặc mưa đầy trái và làng xóm suốt ngày rộn ràng tiếng lách cách của thoi đưa, nện hàng, dệt lụa. Sân nhà ai cũng đầy những dãy lụa đen huyền lấp lánh dưới ánh ban mai. Lãnh Mỹ A không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu qua Campuchia, Pháp và một số nước châu Á.
Năm 1987, làng lụa Tân Châu có hẳn một công ty tơ lụa hoành tráng nhưng chỉ chưa tròn 2 năm sau đã giải thể do sức cạnh tranh của các loại vải sợi tổng hợp, thị trường tiêu thụ giảm dần. Làng lụa Tân Châu cũng tiêu điều từ đó. Người thì bỏ nghề, người chuyển sang dệt vải bằng sợi ni lông, gấm… nhưng ông Tám Lăng vẫn bị sắc đen huyền của Lãnh Mỹ A lôi cuốn...
Giữ lụa, giữ nghề
Gia đình nghệ nhân Tám Lăng đã có 3 đời theo nghiệp ươm tơ, dệt lụa nhưng riêng ông thuở thanh niên sống bằng nghề mua trái mặc nưa từ Campuchia về bán lại cho các cơ sở dệt lụa, thợ nhuộm. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ XX, nhìn cảnh làng lụa thưa người dệt, nguy cơ mai một, ông Tám Lăng bàn với các con thu mua máy dệt, con tơ của bà con trong làng về mở xưởng dệt Lãnh Mỹ A.
Lão nghệ nhân Tám Lăng bên con tơ, máy suốt - những vật dụng theo ông gần trọn một đời.
Ông Tám Lăng còn nhớ như in cuộc hội ngộ của ông với một người phụ nữ người Pháp tên Rose, là nhà thiết kế thời trang và kinh doanh vải vóc ở Paris. Bà Rose đã đi qua nhiều nơi có kỹ thuật ươm tơ dệt vải phát triển như Thái Lan, Đài Loan... cùng nhiều địa phương ở Việt Nam và bà bị Lãnh Mỹ A "chinh phục". Bà đã đặt mua Lãnh Mỹ A với số lượng lớn. Duy có điều bà thắc mắc là tại sao Lãnh Mỹ A chỉ có màu đen huyền? Thắc mắc của bà Rose trở thành nỗi trăn trở của cha con ông Tám Lăng. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh Nguyễn Hữu Trí, con trai út ông Tám Lăng đến các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và sang tận Campuchia để tìm học bí quyết nhuộm màu. Sau nhiều lần thất bại bởi các chất liệu nhuộm bằng lá, rễ, trái, vỏ cây rừng tạo nên sắc màu thổ cẩm rực rỡ nhưng Lãnh Mỹ A lại không chịu bám thuốc. Màu sau đó bị phai, mất độ sáng bóng hoặc thậm chí khiến vải co quắp. Thử nghiệm ở nhiều môi trường, nhiệt độ, cách pha chế khác nhau, cuối cùng cha con ông Tám Lăng đã đạt thành ước mơ tìm màu cho Lãnh Mỹ A. Những dãy Lãnh Mỹ A màu hổ phách, cánh sen, đất, chàm, xám tro… ra đời trong sự ngạc nhiên của cả những người mấy đời theo nghiệp lụa ở Tân Châu.
"Tôi không thể nào quên cái ngày những dãy lụa mình dệt ra được trình diễn trên sàn diễn thời trang thế giới" - ông Tám Lăng xúc động. Đó là năm 2004, khi nhà thiết kế Võ Việt Chung chọn Lãnh Mỹ A làm chất liệu cho bộ sưu tập "Mơ về châu Á" trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia. Một năm sau, Võ Việt Chung lại dùng lụa Tân Châu để thực hiện bộ sưu tập "Sự hồi sinh" trong Tuần lễ thời trang châu Âu tại Đức và tạo được tiếng vang trong làng thời trang thế giới. Võ Việt Chung vang danh cũng đồng nghĩa với Lãnh Mỹ A được ghi nhận như một chất liệu thời trang tầm cỡ.
Tự hào, vui sướng rồi ông Tám Lăng lại nói với tôi bằng vẻ buồn buồn: "Vậy mà, thời hoàng kim sống lại chút rồi cũng qua. Bây giờ người ta dệt tơ ni lông, Lãnh Mỹ A ngày càng hiếm hoi". Sở dĩ ông Tám Lăng giữ được nghề là vì ông có khách hàng cố định ở nước ngoài, mỗi năm ông dệt xuất khẩu khoảng 2.000 mét Lãnh Mỹ A. Làng lụa Tân Châu được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề năm 2006 nhưng đến giờ, chỉ còn một số ít hộ dệt gấm, vải bằng tơ ni lông. Nghề se tơ gia công, nuôi tằm ươm tơ giờ đã không còn. Những vạt dâu xanh mướt, những kén tơ vàng ươm giờ chỉ còn là hoài niệm và là nỗi niềm của những nghệ nhân tâm huyết như ông Tám Lăng.
* * *
Một ngày ở làng lụa Tân Châu, nghe chuyện xưa chuyện nay tôi mới cảm khái cái nghĩa tình của ông Tám Lăng dành cho dáng lụa quê mình. Câu nói ngùi ngùi của ông khiến tôi nhớ mãi: "Đời con cháu tôi không biết thế nào, chứ đời tôi là đến chết cũng dệt Lãnh Mỹ A. Nó gắn bó với tôi cả một đời người còn gì". Nói rồi, ông Tám Lăng lấy tay vuốt nhẹ xấp Lãnh Mỹ A...
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH (Báo Cần Thơ)
Bài 2: Nỗi lòng người nói thơ Bạc Liêu
Điệu nói thơ Bạc Liêu hào sảng, khoan thai mà đanh thép từng là vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Nghệ nhân Út Bến Hải từng là một chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận ấy. Ngày hòa bình, cô Út lại nói thơ Bạc Liêu, vừa hoài niệm một thời hoa lửa...
Người em "sinh sau đẻ muộn"
Nghệ nhân Út Bến Hải tên thật là Phạm Thu Ba, năm nay đã 82 tuổi, một cán bộ hưu trí ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Cô Út mở đầu câu chuyện bằng giọng nói thơ mộc mạc, chân chất trên nền nhạc của cây đờn măng - đô - lin đã nhuốm màu thời gian:
"Con ơi dứt mọi thường tình
Con ra (mà) mặt trận giữ gìn biên cương
Thà là chết ở chiến trường
Còn hơn (mà) chết ở trên giường thê nhi…"
Cô Út bồi hồi nhớ lại, những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở đâu trên đất mảnh đất Bạc Liêu, sau này là Minh Hải, cũng được nghe điệu nói thơ Bạc Liêu. Năm 1970, nhạc sĩ Anatoli Bưtxơkôp người Kazakhstan (thuộc Liên Xô cũ) đã chọn điệu nói thơ Bạc Liêu làm nhạc chủ đạo cho vở kịch nói về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam Việt Nam. Người dân xứ Vọng cổ ai nấy đều tự hào vì lại góp cho âm nhạc dân tộc một điệu thức mới mẻ, độc đáo. Cô Út còn kể cho chúng tôi nghe những tác phẩm âm nhạc, điện ảnh đã trân trọng dùng điệu nói thơ Bạc Liêu như các phim: "Đất Phương Nam", "Máu thắm đồng Nọc Nạng", "Phạm Công - Cúc Hoa"… và nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Trên quê hương Minh Hải", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trở lại Bạc Liêu"… mang hơi thở của điệu nói thơ Bạc Liêu.
Cô Út say sưa kể về điệu nói thơ Bạc Liêu bởi đó là tiếng lòng, là tâm tư tình cảm của người dân nơi đây. Mỗi khi nghe nói thơ Bạc Liêu, bao hoài niệm về một thời đi nói thơ cho chiến sĩ đồng bào nghe lại ùa về trong ký ức của cô…
Tiếng thơ- tiếng lòng
Nói thơ Bạc Liêu đã đi theo cô Út Bến Hải gần trọn một đời. Năm 14, 15 tuổi, khi cô công tác tại Ban Thiếu nhi - Tỉnh đoàn Bạc Liêu (cũ, gồm cả địa phận Cà Mau ngày nay), cô tập tành nói thơ Bạc Liêu theo các anh chị, không ngờ được nhiều người khen. Vậy là trong các buổi văn nghệ tập hợp thanh thiếu nhi và các buổi văn nghệ tuyên truyền, cô Út được mời nói thơ Bạc Liêu. Bé gái với gương mặt bầu bĩnh, dễ thương vừa đàn măng-đô-lin vừa nói thơ luôn làm không khí mỗi buổi văn nghệ thêm rộn ràng, thu hút.
Phần lời của nói thơ Bạc Liêu là thơ lục bát nên dễ sáng tác, dễ học thuộc lại thêm phần nhạc không cầu kỳ nên dễ học, dễ nhớ và dễ trình diễn. Sau này, cô Út Bến Hải được điều chuyển công tác ở Hội phụ nữ tỉnh, Thị xã ủy Bạc Liêu, Hội Phụ nữ khu Tây Nam bộ, Hiệu Phó Trường Công Nông I - Bạc Liêu… Dù công tác ở đâu, cương vị nào, điệu nói thơ Bạc Liêu vẫn là thế mạnh của người cán bộ cách mạng này. Những lúc chị em phụ nữ hoạt động trong căn cứ, chiến khu, tối đến cô Út lại nói thơ Bạc Liêu cổ vũ tinh thần chị em, ca ngợi cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc.
Gần 3 năm (1962-1964) cô Út bị địch bắt, giam ở Nhà tù Phú Lợi - một trong những "địa ngục trần gian" của Mỹ - Ngụy. Cô và các bạn tù bị tra tấn dã man. Nhưng khi chúng quay lưng, cô lại tụ họp chị em, dạy nói thơ Bạc Liêu. Trong đêm tối tĩnh mịch, lạnh lẽo của nhà tù, giọng nói thơ nghe hào sảng mà có chút gì đó nghẹn ngào, vấn vương của nữ tù Út Bến Hải đã giúp bạn tù có thêm nghị lực, kiên gan trước kẻ thù. Có những chị bạn tù vì không chịu nổi đòn roi đã hy sinh trong nhà tù và những câu nói thơ Bạc Liêu là lời tiễn biệt ngậm ngùi, tình nghĩa…
Trong cuộc đời làm cách mạng, cô Út nhiều năm phụ trách công tác binh vận. Trong khi nhiều người dùng lời lẽ khuyên địch bỏ súng về với gia đình vợ con thì cô Út lại có thêm phần nói thơ Bạc Liêu. Cô còn nhớ lúc đội tuyên truyền của cô đặt bên kia con kinh đối diện với đồn Cả Nhút (thuộc xã Tân Thành, vùng ven thị xã Cà Mau) và đồn ở kinh xáng Tắc Thủ. Núp trong hầm, cô cầm loa nói vọng sang những câu thơ nghe có gì đó ai oán, ngậm ngùi:
"Trách ai gây cảnh chiến tranh
Làm cho chồng vợ gia đình tiêu tan
Làm cho Nam - Bắc đôi đàng
Làm cho dân tộc muôn ngàn đắng cay"
Nhiều tên lính đã được cô Út cảm hóa bằng điệu nói thơ Bạc Liêu nhưng cũng có không ít lần địch xả súng bắn sang, trúng sát nắp hầm. Vậy nhưng cô Út không hề sợ hãi, đêm đêm, giữa đồng không mông quạnh, giọng nói thơ của cô Út lại vang lên như những lời giáo hóa kẻ thù.
Giữa tháng 4-2013, chúng tôi có dịp gặp lại cô Út tại Liên hoan Dân ca toàn quốc - khu vực Nam bộ. Cô mang đến Liên hoan tiết mục nói thơ Bạc Liêu, bài "Thương anh Vệ Quốc Quân" với tư cách là nghệ nhân cao tuổi nhất tham gia. Điều làm cô vui là có dịp thổ lộ tiếng lòng của người dân Bạc Liêu. Năm 2012, cô Út Bến Hải đã sưu tầm được 22 bài thơ nguyên bản là phần lời của nói thơ Bạc Liêu gửi tặng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu với mong muốn gìn giữ loại hình dân ca độc đáo của địa phương. Cô Út tâm sự rằng: "Số người lớn tuổi còn biết nói thơ Bạc Liêu đếm chưa giáp mười ngón tay. Tụi nhỏ thì càng không biết. Tui lo rồi đây nói thơ Bạc Liêu sẽ trở thành quá khứ". Chính việc làm của cô Út đã "đánh thức" ngành văn hóa tỉnh trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, nói: "Cô Út rất tâm huyết với nói thơ Bạc Liêu. Cũng nhờ những tài liệu cô cung cấp mà sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức những lớp dạy nói thơ Bạc Liêu và mở cuộc vận động sáng tác lời mới cho loại hình dân ca này. Chắc chắn rằng, trong những hoạt động ấy, cô Út sẽ là "báu vật" của lớp trẻ".
* * *
Tiễn khách, cô dặn chúng tôi: "Đừng nói về cô nhiều, hãy nói về nói thơ Bạc Liêu cho nhiều người được biết!".
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Bài 3: "Phù thủy" sân khấu Dù kê
Nghệ thuật sân khấu Dù kê là một trong những loại hình diễn xướng độc đáo, đậm bản sắc dân tộc và giàu tính nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer. Ở Bạc Liêu, nghệ nhân Thạch Si Phol được xem là "phù thủy" của sân khấu Dù kê khi các hình tượng: ông hoàng, chằn, khỉ… qua bàn tay biên đạo của ông đều trở nên sinh động, cuốn hút.
Hẹn gặp nghệ nhân Thạch Si Phol nhiều lần nhưng ông đều "cáo lỗi" vì đang tất bật tập dợt cho anh em nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu tham gia Liên hoan Sân khấu Dù kê Khmer lần thứ I diễn ra vào tháng 11 tại tỉnh Sóc Trăng. Trên sân khấu, người đàn ông 62 tuổi có vẻ ngoài thô ráp dường như biến thành người khác khi hòa vào các động tác múa uyển chuyển, sinh động. Ông tỉ mỉ chỉnh lại trang phục cho người sắm vai vua, rồi nhắc cô gái trong vai sơn nữ phải cười tươi. Nghệ sĩ nào hát chưa tới chữ đờn, sai điệu thức, nghệ nhân Thạch Si Phol nhắc nhở rồi ra hiệu: "Vào đờn lại!". Nụ cười cùng những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt đã hằn nhiều nếp nhăn...
Nghệ nhân Thạch Si Phol (bìa trái) tập luyện cho nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nghệ nhân Thạch Si Phol mở đầu câu chuyện bằng vở Dù kê do ông dàn dựng cho đoàn mang tên "Truyền thuyết vua thần". Nội dung vở là câu chuyện về một ông vua vốn dĩ rất hiền lành, thương dân nhưng vì không được một sơn nữ đáp lại tình cảm mà trở nên độc đoán, tàn bạo. Cái khó của vở Dù kê này là chính kịch, hoàn toàn không có vai hề, chằn để chọc cười mà chỉ thu hút khán giả kịch tính của câu chuyện. Và đạo diễn Thạch Si Phol đã lôi cuốn được người xem vào những tình huống vở diễn.
* * *
Nghệ nhân Thạch Si Phol là đạo diễn, biên đạo múa, nguyên Đội Trưởng Đội Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu. Sinh ra và lớn lên ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, từ nhỏ, ông đã bị cuốn hút bởi những điệu múa uyển chuyển, dẻo dai và tiếng nhạc lời ca đặc sắc của dân tộc mình. Nhưng ông mê nhất là vai hề trong các vở Dù kê, chuyên chọc cười khán giả. Mới 13, 14 tuổi, Thạch Si Phol đã theo các đội, nhóm văn nghệ Khmer trong phum sóc diễn phục vụ bà con. Được những nghệ nhân đi trước chỉ dạy cách múa, cách diễn nên Thạch Si Phol sớm trở thành diễn viên chính của đội. Thế nhưng niềm mơ ước lớn nhất trong lòng ông vẫn là được sắm vai "đàng hoàng" trong một vở Dù kê. Năm 1979, được sự ủng hộ của nhiều nghệ nhân nổi tiếng của nghệ thuật Khmer, Thạch Si Phol về đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật Samaky tỉnh Minh Hải. Năm 1980, ông thủ vai hài Nykel trong vở "Chim thần", diễn ở đâu cũng được khán giả vỗ tay rần rần bởi lối diễn xuất hóm hỉnh, pha trò có duyên. Từ đó, ông là diễn viên chính của đoàn, diễn được hầu hết các vai kinh điển của Dù kê. Từ năm 1989-1990, nghệ nhân Thạch Si Phol được cử đi học ở chuyên ngành nghệ thuật múa trong Dù kê ở Trường Múa Hoàng gia Campuchia. Khóa học ấy đã thực sự giúp ông phát triển rất nhiều trong nghề nghiệp của mình.
Hiện tại, nghệ nhân Thạch Si Phol đã đến tuổi về hưu nhưng lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu vẫn dành riêng cho ông một phòng trong đoàn để có điều kiện đào tạo lớp nghệ nhân kế thừa cho nghệ thuật Dù kê. Được đào tạo bài bản, lại có tố chất nghệ sĩ nên nghệ nhân Thạch Si Phol được đồng nghiệp gọi là "phù thủy" trên sân khấu Dù kê. Vai diễn nào qua bàn tay ông đạo diễn cũng trở thành có thần, sắc. Diễn vai chằn mà nanh không cử động, bước bộ không đúng cách là ông thị phạm, hướng dẫn lại ngay. Với ông, một vai diễn Dù kê thành công phải là sự tổng hòa của ca hát, đối thoại và động tác diễn, mỗi lời hát phải kèm theo điệu múa đặc trưng, sự kết hợp giữa chân và tay. Đến nay, nghệ nhân Thạch Si Phol đã dàn dựng gần chục vở Dù kê và đều thành công ở các kỳ liên hoan, hội diễn. Vở hát của ông luôn được đồng nghiệp đánh giá: vai nào ra vai đó, kết cấu chặt chẽ và nhất là những điệu múa đẹp, phù hợp với vai diễn. Những lời khen ấy ông dành hết cho anh em nghệ sĩ, cho đó là sự nỗ lực của tập thể.
Nghệ nhân Thạch Si Phol tâm huyết bảo vệ nghệ thuật cổ của người Khmer xưa trước các loại hình âm nhạc, giải trí hiện đại đang tràn vào các thôn ấp, phần nào lấy đi những vốn văn hóa truyền thống được nhiều đời truyền giữ. Điều hạnh phúc nhất của nghệ nhân Thạch Si Phol là đã truyền dạy được nhiều kiến thức của Dù kê, múa dân gian Khmer cho thế hệ tiếp sau. Ông không nề hà mỗi khi được bạn bè khắp nơi, một số trường nghệ thuật, trung tâm văn hóa các tỉnh, mời đến để truyền dạy âm nhạc và các điệu múa, lời hát mà ông đã kỳ công sưu tầm, biên soạn trong hành trang gần 40 năm của đời mình. Người thầy ấy chẳng bao giờ cầm giáo trình, bài giảng trên tay, cũng chẳng trang phục chỉnh tề, nhưng lúc nào cũng thu hút học trò bằng nét giản dị, vốn sống và đam mê với văn hóa dân tộc. Mỗi tiết học do nghệ nhân Thạch Si Phol đứng lớp cũng đặc biệt: ông liên tục hóa thân vào những vai diễn như một "phù thủy" rồi phân tích, diễn giải.
Hàng trăm học trò do nghệ nhân Thạch Si Phol đào tạo giờ đã có chỗ đứng nhất định. Chị Hiệu Thị Liên, người thủ vai nàng Tê Vi trong vở Dù kê "Truyền thuyết vua thần", cho chúng tôi biết chị quê ở huyện Giá Rai, được thầy Thạch Si Phol phát hiện và mời về đoàn gần 10 năm qua. Lúc mới về đoàn, chị ca múa chưa chuẩn. Nhưng hiện tại, chị Liên là một trong những diễn viên chính của đoàn. Chị Liên cho biết: "Với học trò, thầy Thạch Si Phol luôn thương yêu, chỉ dạy hết mình. Thầy cầm tay chỉ từng động tác, cách ca diễn sao cho ngọt ngào. Điều tôi cảm phục nhất ở thầy là tình yêu dành cho sân khấu Dù kê và cách thầy truyền nghề cho lớp trẻ chúng tôi".
40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Thạch Si Phol vẫn luôn trăn trở vì số đạo diễn người Khmer dàn dựng được một vở Dù kê còn lại rất ít. Nỗi lo canh cánh của ông chính là sức ép kinh tế khiến nhiều người không trụ nỗi với nghề, khán giả cũng thưa dần trong các đêm diễn. Bởi vậy, mới có hình ảnh người đàn ông cặm cụi vá may trang phục cho diễn viên. Lão nghệ nhân cho biết trang phục Dù kê phải mua tận Campuchia, giá cao nên ông chỉ cần đoàn mua mỗi kiểu một mẫu để ông nhìn và may theo hàng loạt.
Những cống hiến của nghệ nhân Thạch Si Phol được ghi nhận qua nhiều huy chương, bằng khen. Năm 2012, nghệ nhân Thạch Si Phol vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật và là một trong những nghệ nhân đầu tiên được trao tặng giải thưởng Văn học - nghệ thuật Cao Văn Lầu đợt I. Do Đội Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu mới lên đoàn chuyên nghiệp từ năm 2012 nên đến giờ này, nghệ nhân Thạch Si Phol vẫn chưa được phong tặng NSƯT. Nhưng Thạch Si Phol nói rằng, điều đó chẳng sao, phần thưởng lớn nhất của nghệ sĩ như ông vẫn là: "Mỗi đêm hát Dù kê, khán giả tụ họp đông đảo, vỗ tay rần rần".
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
| ||
Bài cuối: Nữ bầu gánh hát tuồng cổ ở Cần ThơThứ năm, 07/11/2013 08 giờ 48 GMT+0 | ||
Nói về đời theo nghiệp tuồng cổ, hát bội của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh (nghệ danh Phương Ánh), Chủ nhiệm CLB Tuồng cổ Phương Ánh, chia sẻ: "3 đời theo nghiệp hát bội, 3 lần làm bầu gánh, 2 lần phải gãy gánh giữa chừng. Nhưng không bỏ nghề được". Vậy là quanh năm suốt tháng chị lại cùng gánh hát của mình rong ruổi khắp các đình ở ĐBSCL hát phục vụ bà con.
* Quá tam ba bận…
"Này Thần nữ!... Gươm đao chẳng dung tình, ta đem ứng luôn giả hình, tội tử phải làm gương, giữa công đường quân pháp bất vị thân..."- chị Phương Ánh cất tiếng hát hào sảng, bước tấn bước bộ rất chuẩn xác như thể đang diễn trên sân khấu. Chị thuộc làu từng câu thoại, những khoảnh khắc sắm vai nữ tướng Phàn Lê Huê trong vở "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ". Và với chị, lúc nào cũng vậy, đã hát, dù là tập thử, cũng phải hết mình, sống trọn với vai diễn. Trìu mến nhìn rương phục trang rạng rỡ sắc màu, chị kể về những kỷ niệm với nghề hát bội làm bầu của mình.
Đến năm 1980, chị mạnh dạn thành lập đoàn Quê hương Đồng Tháp trong tình cảnh hát bội, cải lương cổ đang thời lao dốc. Bà bầu gánh trẻ tuổi phải vất vả ngược xuôi lo chuyện cơm áo cho diễn viên, lo tập tuồng, chỉ đạo diễn xuất. Nhưng mọi cố gắng của chị vẫn không đủ để duy trì gánh hát. Đoàn Quê hương Đồng Tháp rã gánh, chị lập đoàn Du Sĩ Ca nhưng chẳng bao lâu cũng phải giải tán. "Nợ nần chồng chất, nhìn cảnh anh em nghệ sĩ một thời gian gắn bó với mình chịu cảnh tan đàn, chị rớt nước mắt. Ai cũng khuyên chị tìm chuyện gì làm ăn buôn bán đi, đừng theo nghề xướng ca, khổ lắm!" - chị Phương Ánh nhớ lại. Chị cảm ơn những người đã khuyên mình nhưng trong lòng thì thầm quyết tâm phải giữ nghiệp của cha ông.
Một thời gian dài sống ở Cần Thơ, gần đình Bình Thủy, thấy mỗi lần đình mở hội Kỳ Yên, nhiều gánh hát bội về hát trong sự chào đón của bà con mà lòng chị thấp thỏm, nhớ nghề, nhớ những đêm hát thâu đêm ở võ ca của đình. Vậy là năm 2004, một lần nữa chị lập CLB Nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh, trực thuộc Trung tâm Văn hóa quận Bình Thủy và duy trì đến nay. Thăng trầm với khó khăn của đoàn nhưng chị chẳng bao giờ có ý định bỏ nghề. Chị tâm sự: "Nghỉ hát thấy trong lòng bứt rứt lắm, muốn bệnh luôn. Tối mà được hóa trang, mặc áo mão lên sân khấu diễn là thấy khỏe khoắn".
* Kiếp tằm nhả tơ
Tôi đã có dịp cùng chị Phương Ánh lưu diễn phục vụ bà con trong dịp cúng Kỳ Yên đình làng Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Chị ngồi bệt bên cánh màn nhung, vén màn cho diễn viên bước ra sân khấu. Chị cẩn thận chỉnh sửa trang phục, dồi phấn lại cho diễn viên rồi cầm kịch bản, nhắc diễn viên ra sân khấu. Diễn viên nào hết trường đoạn diễn, chị ngồi kế bên quạt, mang nước uống, ân cần và chu đáo như một người mẹ, người chị. Đó là đợt lưu diễn sau cùng, trước khi đoàn của chị nghỉ một tháng để cúng Tổ nghiệp Sân khấu. Trước đó, đoàn đã gần hết nửa năm giong ruổi khắp các đình ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… Hễ có nơi nào mời là chị tới. Chị ít để ý chuyện giá cả, lỗ lời bởi với chị, được hát, được diễn là niềm vui và giúp anh em có thêm thu nhập.
Giữa tiếng hát của tuồng "San Hậu" (tôn Vương), chị Phương Ánh nhớ lại một thời hoàng kim của sân khấu hát bội, tuồng cổ. Cái thời mà gánh hát của chị đi diễn không xuể, đi đến đâu cũng được bà con đứng rợp hai bờ kinh chờ đón, coi "nghệ sĩ đẹp cỡ nào"! Mỗi đêm hát, trời chiều vừa khuất là bà con kéo đến đông kín sân đình, ghe xuồng đậu rợp bến đình coi hát. Thấy đào kép hóa trang màu mè, vẽ mặt trăm hoa, áo quần sặc sỡ, ca ngọt lịm, múa ra bộ điêu luyện… cả sân đình rộn rã tiếng hò hét vì mến mộ. Chị nói: "Khán giả thời đó biết thưởng thức hát bội nên nghệ sĩ khi ra diễn ai cũng phải hết mình, không được phân tâm. Cái tục cầm chầu giúp nghệ sĩ luôn vững tay nghề". Nghệ sĩ ca hay, diễn đạt thì người cầm chầu đánh trống "tùng... tùng... tùng..." với những tràng pháo tay của khán giả, sau khi lớp diễn kết thúc sẽ được thưởng. Còn nghệ sĩ diễn dở, diễn dối, người cầm chầu sẽ gõ vào tang trống "rụp.. cắc... cắc..." thì sẽ bị phạt. Nhưng cũng nhờ vậy mà ai cũng nghiêm túc với nghề.
Khi chúng tôi hỏi về gánh hát, chị Phương Ánh bỗng trầm xuống, nói buồn buồn: "Bây giờ mấy ai còn dám làm bầu, nhất là phụ nữ. Khán giả ngày càng ít, cũng không phải đình nào cũng có hát bội, tuồng cổ mỗi dịp Kỳ Yên nên chuyện hát xướng càng lắm gian nan". Như lần diễn ở đình Vĩnh Trinh này, nhận suất hơn chục triệu nhưng gần 15 diễn viên, hậu đài… phải trú gần cả tuần, lại thêm chi phí vận chuyển sân khấu, trang phục, âm thanh, tính ra anh em mỗi người được 700-800 ngàn đồng. Bà bầu gánh như chị cũng được chưa đến 1 triệu đồng. Nhưng những dịp như vậy không phải có được quanh năm, chỉ chờ mấy lễ hội Kỳ Yên cúng đình.
Khó khăn là vậy nhưng chị tự hào giới thiệu với chúng tôi về dòng họ có "máu nghệ sĩ" của mình. Em trai chị Phương Ánh là nghệ sĩ Chiêu Hùng, anh trai là nghệ sĩ hài Quốc Việt; các dì, cậu cũng là nghệ sĩ tuồng cổ có tiếng. Chị Phương Ánh có một con gái cũng là nghệ sĩ hát bội, tuồng cổ Phương Anh hiện đang lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhưng mỗi khi gánh hát của mẹ có suất diễn, Phương Anh đều về. Hiện tại, bé gái con của Phương Anh, cháu ngoại chị Phương Ánh, dù mới 8 tuổi nhưng đã biết chạy bận. Giọng ca của cô bé cũng rất lảnh lót, ngân vang. Ai cũng nói bé hưởng di truyền từ máu nghệ sĩ của mẹ và bà ngoại. Nghệ nhân Phương Anh nói: "Từ nhỏ mẹ đã chỉ dạy tôi rất nhiều về kỹ thuật ca diễn nên bây giờ tôi đã nối nghiệp mẹ. Dù không ép nhưng nếu sau này con tôi muốn theo nghề hát bội, tôi cũng khuyến khích con". Nghề nối nghề, mẹ truyền con nối, cái tình cái nghĩa ở gia đình nghệ sĩ Phương Ánh gắn chặt vào những vai tuồng, vở diễn.
***
Gần 60 tuổi đời, hơn 45 năm theo nghề hát bội và hơn 20 năm làm bầu. Chừng ấy thời gian đủ để bầu gánh hát Phương Ánh nếm trải hết vinh quang cũng như cay đắng của kiếp tằm nhả tơ. Giờ đây niềm vui của chị là được hát cho bà con nghe, diễn cho bà con xem, được làm hậu làm nương trên sân khấu, sống trọn một đời nghệ sĩ mang nghiệp gìn giữ nghệ thuật tuồng cổ, hát bội.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
|
Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...
Nhận xét
Đăng nhận xét