TRẦN HỮU HIỆP
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì cộng đồng, xã hội mới tốt;
xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Tuy nhiên, gia đình nông thôn miền Tây Nam bộ đang mang trong nó nhiều thay đổi tích cực lẫn
tiêu cực. Đáng quan tâm là những thách thức về kinh tế và áp lực xã hội mạnh
mẽ, đe dọa những giá trị truyền thống.
Hà Nguyên - con gái tôi |
Về mặt xã hội, nạn bạo hành, ngược đãi, ly hôn, trẻ em hư hỏng ngày càng
tăng. Sự vô cảm “đèn nhà ai nấy sáng” tưởng đâu chỉ có ở phố chợ, nay bắt gặp
nhiều hơn ở làng quê. Hiện tượng hàng loạt phụ nữ nông thôn miền Tây lấy chồng
Đài Loan, Hàn Quốc... đang đặt ra nhiều “đầu bài” cho các các nhà kinh tế, xã
hội học, hoạch định chính sách tìm lời giải. Vai trò của mỗi cá nhân trong gia
đình trở nên quan trọng hơn. Nhưng trước nhiều vấn đề lớn, nhỏ, dường như các
thành viên trong gia đình ít ai chịu ai. Những tác động từ bên ngoài của kiểu
sống thực dụng, mặt trái của truyền thông, internet... đang len vào từng gia
đình nông thôn, đe dọa những giá trị truyền thống. Người lớn, trẻ con, đặc biệt
là các cô cậu bước sang tuổi trưởng thành trong nhiều gia đình nông thôn hiện
nay dường như đang xa dần những “gốc rễ” bền chặt của truyền thống gia đình xưa
nay.
Ở góc độ kinh tế, từ vị trí bị đẩy vào tập đoàn sản xuất, làm ăn tập thể
thời bao cấp, nhiều gia đình ở ĐBSCL đã trở thành hộ kinh tế gia đình năng
động, đóng vai trò quan trọng trong “kinh tế thị trường”. Nhưng kinh tế hộ ngày
nay đang đứng trước nhiều thách thức. Nếu ví sản xuất nông nghiệp như cây đòn
gánh, một bên là nguyên liệu đầu vào, bên kia là đầu ra - tiêu thụ, nay ở 2 đầu
đều đang “gặp vấn đề”, bị “lắc” trong thế bị động, cần được giữ thăng bằng để
đi tiếp trên chặng đường phát triển. Một kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược
chính sách nông nghiệp nông thôn và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL được công
bố gần đây, với hiện trạng sản xuất và thu nhập hiện nay, thu nhập mỗi cá nhân
trong gia đình trồng lúa “đang ở mức nghèo khổ”: chưa đến 1 USD/người/ngày. Đủ
mua… nửa tô phở!
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh ở ĐH Cần Thơ đã từng phân tích, hạt gạo của gia đình
nông dân miền Tây đang bị cắn chia làm 8 phần, mà phần họ nhận được đang bị teo
tóp. Những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL vẫn phát triển trong thế “bị đe dọa”:
“Con cá tra chặt nhiều khúc”, “cây mía chặt làm nhiều lóng”, “trái dừa bị bửa
ra nhiều miếng”... mà phần thua thiệt thuộc về nông dân. Thu nhập từ trồng lúa
của nông dân đang phải chịu gánh nặng trả vốn vay, lãi ngân hàng, kể cả vay lãi
cao bên ngoài để có tiền đầu tư sản xuất; trả nợ vật tư, phân bón “mua chịu”.
Gánh nặng chi tiêu gia đình (ăn uống, chữa bệnh, học hành, các khoản đóng
góp...), kể cả lo cho nhà hàng xóm (hoan, hôn, tang, tế)… Vậy mà họ còn phải
làm “nghĩa vụ vinh quang” khi lo cho an ninh lương thực quốc gia, góp phần đảm
bảo an ninh lương thực thế giới, lo cho xuất khẩu gạo và kể cả “tạo thế ngoại
giao”.
Làm sao để gia đình nông dân ĐBSCL có thể kiếm sống và làm giàu bằng nghề
nông trước nhiều thách thức? Lời giải cho bài toán này cần có sự tiếp cận đa
ngành, cần quy mô sản xuất lớn hơn, cần tích tụ ruộng đất nhiều hơn để thích
nghi với phương thức sản xuất chuyên nghiệp hơn. Gia đình nông thôn miền Tây
trước nhiều thách thức hôm nay đang rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa. Những
đáp án, lời giải cho những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, giúp gia đình
nông thôn vượt qua thách thức. Đó chính là mục tiêu, yêu cầu, động lực và hành
động thiết thực nhất mà mỗi gia đình nông thôn miền Tây đang cần.
Nhận xét
Đăng nhận xét