Liên kết vùng trong xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL
17/07/2013, 19:36:01
(VTV Cần Thơ) - Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng thu hút đầu tư lớn. Thế nhưng hiện tại, các địa phương, kể cả 4 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa thể phát huy đúng mức hiệu quả thu hút đầu tư. Với vai trò là đơn vị đầu tàu, hướng nền kinh tế toàn vùng phát triển, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đang khởi xướng một chương trình xúc tiến đầu tư qui mô lớn. Một trong những nội dung trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, tạo sức hấp dẫn mới trong thu hút đầu tư.
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa, trái cây, thủy sản của quốc gia mà còn là nơi đảm bảo “sức khỏe” cho nền nông nghiệp cả nước. Trong khi cả nước luôn nhập siêu suốt 27 năm qua, thì nơi đây liên tục xuất siêu nhờ sự đóng góp từ các mặt hàng nông sản chủ lực. Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, vùng ĐBSCL vẫn còn những hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, thu hút FDI còn hạn hẹp…
“Lâu nay chúng ta tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, nhưng từng địa phương làm riêng lẻ. Hoặc là các bộ, ngành trung ương đi hoạt động xúc tiến nước ngoài, nhưng vấn đề là làm sao liên kết lại ở cấp độ vùng để thấy được thế mạnh của vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương”, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đặt vấn đề trọng tâm.
Có thể nói, cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian gần đây đã được đầu tư hoàn chỉnh. Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, Sân bay quốc tế Cần Thơ, Sân bay Phú Quốc, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Tho đi vào hoạt động, các quốc lộ nối các tỉnh ven biển đang tiếp tục hoàn thiện. Lợi thế ấy, cộng với chiến lược thu hút đầu tư của các tỉnh, thành, nhứt là đầu tư FDI càng phát huy hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế thế mạnh trong vùng.
“Trước mắt chiến lược là chúng tôi nhằm hướng tới tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng các khu công nghiệp, từ đây sẽ tìm thêm doanh nghiệp con vào khai thác”, bà Lê Dương Cẩm Thúy – Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ bộc bạch.
“Vùng ĐBSCL cũng trong tình trạng chung của cả nước là thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn. Tuy nhiên trong khó khăn đó, chúng ta vẫn có thể tìm ra những thế mạnh mà các tỉnh cũng đã thống nhất với nhau để khai thác thế mạnh đó là gì. Đó là sự liên kết theo cấp độ vùng. Thể hiện rất là rõ là chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam chỉ đạo cho hội nghị này”, Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ gợi ý, nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn chung trong hoạt động xúc tiến đầu tư của vùng, sự nỗ lực trong điều hành kinh tế riêng lẻ mỗi địa phương là chưa đủ mà còn cần ở cấp cao hơn là cấp khu vực và trung ương. Việc Chính phủ, các bộ ngành tích cực quan tâm hỗ trợ và chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL năng động hơn trong chính sách phát triển kinh tế sẽ là động lực khơi thông dòng chảy thu hút đầu tư, mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và thế giới./. (Tiến Triển)
Nhận xét
Đăng nhận xét