Phỏng vấn ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng vụ Kinh tế,
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
30/07/2013
(HGTV)
Phóng viên Thời sự trao đổi với ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh
tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về chuyện liên kết của các tỉnh ĐBSCL.
Trong
sản xuất kinh doanh, việc liên kết là một yêu cầu tất yếu để nâng cao
giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Nói một cách khác liên kết là sự
phân công lao động và chia sẻ lợi nhuận hợp lý từ khâu sản xuất đến
khâu tiêu thụ. Với thực trạng của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện
nay, việc liên kết ở cấp vùng là một nhu cầu cấp bách nhất là từ khi
Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xung quanh nội
dung này phóng viên Thời sự có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Hiệp- Vụ
trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Phóng viên: Để tạo tiền đề cho việc liên kết vùng thì Hậu Giang đã tiến
hành quy hoạch 10 loại nông sản chủ lực là từ nay đến năm 2015. Vậy thì
ông có thể đánh giá việc quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào trong việc
liên kết?
Ông Trần Hữu Hiệp: Việc
địa phương chủ động quy hoạch và quyết định những sản phẩm chủ lực của
địa phương mình để qua đó tập trung đầu tư phát triển, sản xuất là điều
hết sức cần thiết. Tuy nhiên cần nguồn lực đầu tư, cũng như việc chọn
lựa các sản phẩm chủ lực phải thực sự có thế mạnh, không chỉ trong phạm
vi một tỉnh mà cần nhìn ra cấp vùng và thị trường rộng lớn hơn. Cũng cần
chú ý rằng việc liên kết vùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi hành chính
của một tỉnh mà nó cần được liên kết giữa các địa phương với nhau tạo
ra một thị trường rộng lớn. Tôi thấy thời gian qua thì Hậu Giang đã chủ
động trong việc đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ
trương việc đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu
tiên của vùng ĐBSCL tại Hậu Giang đó là một hướng đi đúng. Tuy nhiên đây
là một mô hình mới không có tiền lệ, vì đó là khu nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao nó cũng khác với khu công nghệ cao của TPHCM đã có, hiệu
quả của nó cần những điều kiện quan trọng như: Công tác quy hoạch, thực
hiện quy hoạch rồi tổ chức nghiên cứu ứng dụng để có những sản phẩm,
những loại nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh và việc chọn những sản
phẩm chủ lực của vùng, của tỉnh, của địa phương cần phải theo định
hướng này để phát huy hiệu quả thiêt thực.
Phóng viên: Thời gian qua, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã tiến hành liên kết với
nhau và quy hoạch ở địa phương mình thế nhưng cho đến nay vẫn chưa phát
huy được hiệu quả. Ông có thể cho biết là nguyên nhân vì sao?
Ông Trần Hữu Hiệp:Cho
đến nay thì ai cũng thừa nhận là phải liên kết vùng. Tuy nhiên điều
quan trọng là phải xác định liên kết cái gì, ai làm và làm như thế nào
cho thực sự hiệu quả mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Thời gian
qua các địa phương trong vùng đã kí kết các chương trình hợp tác. Tuy
nhiên, mặc dù trong thực tế nó cũng phát huy được hiệu quả nhất định,
tuy nhiên kết quả chưa mong muốn, nguyên nhân về đâu thì theo tôi có một
số nguyên nhân sau đây: Một là, cho đến nay thì vẫn chưa có một cơ chế
pháp lý rõ ràng đảm bảo cho các việc liên kết vùng phải được thực thi,
có một mô hình điều phối liên kết có thực quyền thực sự hiệu quả. Vấn đề
thứ hai là các liên kết chủ yếu là liên kết giữa chính quyền với chính
quyền dựa trên cơ sở các mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương với
nhau đó cũng là sự tự nguyện hỗ trợ nhau thiếu sự ràng buộc về trách
nhiệm, về pháp lý, đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ về khung cơ chế, chính
sách và pháp lý từ Trung ương. Và thứ ba là lâu nay chúng ta nói nhiều
đến liên kết 4 nhà, tuy nhiên cái mối liên hệ giữa sản xuất, chế biến,
tồn trữ và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL luôn phát sinh những vấn đề cần
phải giải quyết. Nói một cách hình tượng là nó đang bị chặt ra thành
nhiều khúc, cái chuỗi đó chặt ra thành nhiều khúc mà thua thiệt thì
thường thuộc về người nông dân.
Phóng viên: Vậy theo ông để khắc phục những hạn chế này ta cần có những biện pháp như thế nào để việc liên kết trở nên khả thi hơn?
Ông Trần Hữu Hiệp:Theo
tôi thì cần quan tâm đến những việc sau đây: Thứ nhất, cần có một khung
cơ chế chính sách và pháp lý từ nhà nước Trung ương để hỗ trợ cho địa
phương để đẩy mạnh tăng cường các hoạt động liên kết. Thứ hai là các địa
phương phải rà soát lại quy hoạch phải chọn những sản phẩm chủ lực và
xác định nội dung về kinh tế, phải xây dựng cho được những chuỗi sản
phẩm chủ lực mà trên cơ sở đó có thể phân công, phân vai và chia sẻ lợi
ích cũng như khắc phục những hạn chế của địa phương mình tạo ra những
giá trị chung cho vùng và đồng thời nó cũng phát huy những lợi thế của
từng địa phương, của doanh nghiệp và hài hòa giữa lợi ích giữa phát
triển chung của vùng, địa phương cũng như lợi ích của nhà nước, của
doanh nghiệp và người dân, đó là xu hướng phát triển bền vững nền kinh
tế nông nghiệp vùng ĐBSCL trong tương lai.
Xin cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
Nhận xét
Đăng nhận xét