05:05 PM, 17/07/2013
(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thống nhất nhiều nội dung nhằm hình thành bộ quy chế liên kết vùng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu nâng tầm liên kết vùng ĐBSCL để phát huy mạnh mẽ những tiềm năng hiện có. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Tại hội nghị thảo luận về cơ chế liên kết vùng ĐBSCL, ngày 17/7, lãnh đạo một số địa phương như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang… cho rằng liên kết vùng ĐBSCL chính là chìa khóa để thoát khỏi tư duy nhỏ lẻ, manh mún, là cú hích để đánh thức du lịch vùng ĐBSCL vốn đang được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.
Nguyên tắc được các tỉnh ĐBSCL thống nhất cao trong cơ chế liên kết vùng là lợi ích của từng địa phương phải đặt sau lợi ích toàn vùng.
Đối với những lĩnh vực liên kết không bắt buộc (liên kết tự nguyện) thì dựa trên cơ sở các bên tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi để cùng phát huy lợi thế, hướng đến tối đa hóa lợi ích của địa phương và toàn vùng.
Bảo đảm sự quản lý thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.
Các tỉnh ĐBSCL đã thống nhất nội dung liên kết, lập danh mục đề xuất các dự án, đề án ưu tiên phát triển tại địa phương trong từng giai đoạn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ về phát triển kết cấu hạ tầng với phát triển kinh tế - xã hội.
Các ý kiến cũng thống nhất cao về việc lập Ban Chỉ đạo liên kết vùng ĐBSCL, sẽ hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị, theo ngành hàng, xác định rõ nội dung liên kết “bắt buộc” đối với những lĩnh vực, những dự án, đề án có tác động đến lợi ích chung toàn vùng, tiểu vùng hoặc liên tỉnh.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL thời gian qua, việc liên kết vùng đã được thực hiện, được quan tâm tổ chức, chỉ đạo, triển khai.
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa thực sự cao. Vẫn còn những trường hợp cạnh tranh chưa lành mạnh, làm triệt tiêu lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, của toàn vùng. Liên kết chưa được đặt ở một “tầm cao” mới để phát huy mạnh mẽ những tiềm năng hiện có, do vậy việc tiếp tục nghiên cứu về liên kết vùng trong bối cảnh mới là rất cần thiết.
Từ quan điểm nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tái khẳng định quan điểm đã được đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu tham dự hội nghị, đó là sự cần thiết phải có liên kết, cần thiết phải đặt liên kết vùng trong một quy chế rõ ràng để triển khai thực hiện.
Về các hình thức liên kết, bên cạnh hướng quy định hình thức liên kết mang tính “bắt buộc” và “tự nguyện” như trong dự thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gợi ý thêm cách tiếp cận mới, đó là chỉ quy định cụ thể những nội dung liên kết mang tính “bắt buộc”. Những nội dung khác sẽ do các đơn vị tham gia liên kết tự đề ra quy chế để cùng nhau thực hiện.
Về sự cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo Liên kết vùng Phó Thủ tướng đề nghị lấy Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm đầu mối, tận dụng chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hiện có.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng những nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương cũng như các cơ chế tổ chức thực hiện; là đầu mối hoàn thiện dự thảo, gửi các Bộ, ngành địa phương xin ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu đặt ra là ban hành được Bộ Quy chế Liên kết vùng ĐBSCL vào tháng 9/2013.
Xuân Tuyến
Nhận xét
Đăng nhận xét