Chiều 15/7, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức hội nghị quán triệt nhiệm vụ thực hiện đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX); xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, khu vực ĐBSCL là nơi kinh tế cá thể rất phát triển, đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn nghèo, thu nhập không ổn định. Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ gia đình, đơn vị kinh tế tư nhân tự ai nấy làm, chưa có liên kết, hợp tác với nhau hoặc chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân cách làm ăn phù hợp, hiệu quả.
Vì vậy, trước mắt, sẽ xây dựng 3 mô hình HTX trong lĩnh vực trồng lúa, nuôi cá tra và trồng cây ăn trái, là 3 thế mạnh và là sản phẩm phổ biến ở vùng ĐBSCL.
Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Kinh tế hợp tác nông nghiệp trong vùng đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho từng địa phương, tác động tích cực trên phạm vi rộng lớn về mặt nhận thức của nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX phát triển tốt thì còn rất nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, phổ biến ở những huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Một số nơi quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác chưa được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo; cơ chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác chưa đến được với HTX, nhiều HTX còn mang nặng tư tưởng bao cấp, thiếu vốn sản xuất... nên sản phẩm cạnh tranh yếu trên thị trường.
Hiện 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 1.314 HTX với 23.260 lao động, khoảng 45.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp, thủy sản; 3.280 trang trại, chiếm 14% tổng số cả nước.
Ngọc Thiện (TTXVN)
Nhận xét
Đăng nhận xét