Triển khai đề án truyền thông Phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL: Tập trung làm chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng
Báo Đại Đoàn Kết (22/06/2011) |
Đề án truyền thông "Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long” vừa được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ ban hành nhằm góp phần nâng cao nhận thức về giáo dục-đào tạo, dạy nghề và học nghề cho người dân ĐBSCL, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức học tập, chăm lo cho giáo dục-đào tạo, dạy nghề và học nghề. Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về nội dung này.
|
Xin ông cho biết cơ sở để thực hiện và nội dung chính của đề án này?
Giáo dục-đào tạo và dạy nghề là một trong 3 lĩnh vực đột phá phát triển của vùng ĐBSCL. Các năm qua, được quan tâm đầu tư, lĩnh vực trên của ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đã có bước phát triển về qui mô, chất lượng được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, giáo dục-đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế so các vùng miền khác, tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao, tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Từ những tồn tại, hạn chế đó, cần phải có những chương trình hành động cụ thể, trong đó công tác tuyên truyền vận động toàn xã hội cần được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của cộng đồng. Đây là một quá trình lâu dài, cần sự phối hợp đồng bộ, huy động sự tham gia tích cực của gia đình, doanh nghiệp và toàn xã hội bên cạnh sự chăm lo của Đảng và Nhà nước.
Đề án truyền thông "Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long” được ban hành căn cứ vào Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Nội dung đề án được thực hiện theo 4 nhóm công việc chính: (1) Truyền thông trên truyền hình: xây dựng các phóng sự truyền hình và các tiểu phẩm theo đặc thù văn hóa miền Tây phát hình trên sóng 13 Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ. Nội dung tập trung theo chủ đề hướng tới trách nhiệm của toàn xã hội, nêu gương học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hiếu học, công nhân lành nghề biết làm giàu; gương phụ huynh vượt nghèo nuôi con ăn học; tôn vinh những doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt, người dân hiến đất xây trường... chung tay góp sức vào sự nghiệp giáo dục vào đào tạo; biểu dương các cấp ủy, chính quyền địa phương có những chương trình hành động cụ thể, thiết thực góp phần trong việc giáo dục và dạy nghề. (2) Truyền thông trực quan trên pano: xây dựng 1.000 pano, trước mắt đến cuối năm 2011 xây dựng 500 pano trên địa bàn 13 tỉnh, thành ĐBSCL, tại các điểm trường, đầu mối giao thông, khu dân cư, gần trụ sở các cơ quan, bệnh viện, bến xe, bến phà, chợ, công viên, trung tâm văn hóa, khu công nghiệp. (3) Truyền thông trực quan trên cờ phướn: trên các tuyến phố, trung tâm huyện, thị và thành phố, khu dân cư, tiến hành 2 đợt/năm vào đợt 20-11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam) và đợt trước ngày khai giảng năm học mới 5-9. (4) Truyền thông trên tập gấp: Ban Chỉ đạo giao kế hoạch chi tiết phối hợp với Tỉnh đoàn, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh của 13 tỉnh, thành ĐBSCL để thực hiện kế hoạch phát sổ tay khuyến học đến cơ sở; tổ chức đợt tuyên truyền trước ngày khai giảng năm học mới. Ngoài ra, các em học sinh, sinh viên, học viên nữ ĐBSCL vượt khó, học giỏi tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trường nghề được bình chọn sẽ nhận được học bổng từ đề án với 3.000 xuất học bổng, trị giá 500 ngàn/học bổng, tổng kinh phí 1,5 tỉ đồng.
Xin ông cho biết kinh phí để thực hiện đề án là bao nhiêu, từ nguồn nào? Việc triển khai ra sao?
Toàn bộ kinh phí thực hiện đề án khoảng 10 tỉ đồng (trong năm 2011 thực hiện khoảng 4 tỉ đồng) từ nguồn huy động xã hội hóa, vận động sự tham gia đóng góp tự nguyện của các tổ chức và doanh nghiệp, đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm; đồng thời phải đảm bảo đúng qui định pháp luật, không được lợi dụng tuyên truyền để quảng cáo, tiếp thị sai sự thật. Năm 2010, đã thí điểm huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp khoảng 700 triệu đồng xây dựng 112 pano có nội dung tuyên truyền theo chủ đề trên tại các điểm trường, đầu mối giao thông, khu dân cư... ở 12 tỉnh, thành phố trong vùng, bước đầu có tác dụng thiết thực. Năm nay, chúng tôi đã triển khai đề án tại Hội nghị Ban Chỉ đạo tháng 5 vừa qua, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ tham dự; BCĐ Tây Nam bộ cũng đã có văn bản triển khai đến các tỉnh, thành, giao Ban Thư ký làm đầu mối liên hệ, phối hợp. Công ty TNHH Truyền thông và Tiếp thị Thủ Thiêm được chọn là đối tác chính tài trợ thực hiện đề án, chịu trách nhiệm kinh phí tổng thể thông qua các cam kết tài trợ của các đối tác. Đề án sẽ được triển khai theo trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và nhà tài trợ kinh phí; huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Hưng Phú (thực hiện)
|
Nhận xét
Đăng nhận xét