TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, nền nông nghiệp đang gặp khó khăn do những tiềm năng về đất đai, con người đã được khai thác hết trong khi chúng ta bị động, lúng túng tìm hướng đi mới. Có chính sách được coi là đột phá trước đây giờ lại kìm hãm nền nông nghiệp.
Phải đưa giá lúa gạo lên để nông dân yên tâm trồng lúa. ẢNH: hồng vĩnh. |
Điệp khúc “được mùa, mất giá” - Vì đâu?
Sau thành tựu lớn như vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, những năm gần đây nông nghiệp Việt Nam đã chững lại thậm chí, đối mặt với khó khăn và điệp khúc “được mùa rớt giá”. Điều này bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
Nếu vẽ một biểu đồ phát triển của nông nghiệp chúng ta có thể lấy mốc năm 1981 với khoán 100 đã tạo ra sự thay đổi ban đầu. Đặc biệt, đến năm 1988, chính sách khoán 10 đã tạo ra bước nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 1998 đến 2000 là những bước tiến vững chắc. Thế nhưng từ năm 2000 trở lại đây sự phát triển của nền nông nghiệp chậm dần lại, đặc biệt là giai đoạn 5 năm gần đây, nền nông nghiệp chững lại. Trong khi đó, chúng ta bị động đối phó và lúng túng khi chưa tìm ra giải pháp để thay đổi.
Nguyên nhân của những khó khăn hiện tại không phải từ mấy năm gần đây, mà là hệ quả của một quá trình phát triển. Nhìn tổng thể thì các tiềm năng của cơ chế chính sách (khoán 10), tiềm năng từ đặc tính của nông dân Việt Nam (cần cù, chịu khó) chúng ta đã cơ bản khai thác hết. Đối với tiềm năng của khoa học kỹ thuật hiện mới chỉ phát huy được khoảng 30%.
Cụ thể, những cơ chế, chính sách kìm hãm nông nghiệp như thế nào, thưa ông?
Những chính sách về đất đai hiện nay tác động tới nông dân chưa sâu rộng. Chính sách Khoán 10 trong nông nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, không còn gì để khai thác, dẫn đến động lực cho nông dân không còn.
Việt Nam vươn lên là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới là một thành tựu lớn. Nhưng chúng ta lại dừng ở đó và thỏa mãn quá lâu. Trong khi đó, cơ chế chính sách với đất lúa chưa được giải quyết để phát huy hết tiềm năng.
Thị trường tiêu thụ bấp bênh, điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa là một ám ảnh đối với nông dân. Về khoa học kỹ thuật, chúng ta không có những thành tựu nổi bật. Theo tôi, đó chính là nguyên nhân khởi nguồn làm cho nền nông nghiệp gặp khó khăn như hiện tại.
Hiện nay, tại nhiều vùng nông dân bỏ ruộng, bên cạnh những chính sách đất đai còn những nguyên nhân về thị trường?
Trước hết, phải nói rõ nông dân chán đất gì. Ở đây chính là đất lúa. Nông dân bỏ ruộng chính ở hai vựa lúa lớn là Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Còn các đất canh tác cà phê, cao su, hồ tiêu… người dân vẫn mê, vì giá trị các nông sản này cao.
Vậy vì sao nông dân chán đất lúa? Với 1 ha đất lúa, nông dân chỉ thu lời được vài triệu đồng, trong khi đó có những nông sản khác mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha. Trong nền nông nghiệp Việt Nam, đại bộ phận nông dân trồng lúa. Khi người nông dân chán đất lúa, tất nhiên nông nghiệp sẽ tiêu điều.
Tháo bỏ rào cản tư duy
Vậy, giải pháp nào đưa nền nông nghiệp thoát ra khỏi khó khăn hiện tại, thưa ông?
Gỡ được những tồn tại về cả ba mặt chính sách đất đai, thị trường và khoa học kỹ thuật sẽ gỡ khó được cho nền nông nghiệp.
Theo tôi, chính sách đất đai là một điểm thắt của nền nông nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, tôi đánh giá việc đổi mới trong chính sách của chúng ta vẫn còn chậm và chưa có bước đột phá. Luật Đất đai sửa đổi mới có thay đổi trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, đô thị. Nhưng mấu chốt là chính sách đất đai để nông nghiệp tiếp tục phát triển thì chưa có giải pháp gì mới.
Ông Nguyễn Công Tạn. |
Nếu so sánh thời điểm năm 1988 khi chính sách khoán 10 trong nông nghiệp ra đời và thời điểm hiện nay thì ông muốn nói gì?
Theo tôi, việc cởi trói tư duy hiện giờ có điểm mắc. Bởi trước kia, không gian để cởi trói còn rất rộng, và khi đó trong bối cảnh nông nghiệp quá khó khăn không đổi mới là chết, nên chúng ta rất dễ thống nhất với nhau. Trong khi hiện nay, không gian còn quá hẹp.
“Theo tôi, chính sách đất đai là một điểm thắt của nền nông nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, tôi đánh giá việc đổi mới trong chính sách của chúng ta vẫn còn chậm và chưa có bước đột phá”.
Ông Nguyễn Công Tạn
|
Quan điểm của tôi là người dân làm nông nghiệp phải giàu lên nhờ nông nghiệp. Người nông dân tự hào khi hạt lúa mình làm ra có giá trị đích thực. Đó mới là chính sách bền vững. Chứ không phải chúng ta hỗ trợ mấy trăm nghìn một héc ta để nông dân tiếp túc trồng lúa.
Cần tăng giá lúa lên gấp đôi
Nhưng khó khăn nhất hiện nay là bài toán thị trường thưa ông?
Bài toán đầu ra đối với hơn 4 triệu ha đất lúa và 8 triệu ha đất đồi rừng hoàn toàn có thể giải được. Trước mắt, không thể để mấy chục triệu nông dân trồng lúa tiếp tục phải hy sinh. Tôi đã từng nói với các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) rằng, Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia sang giúp các nước sản xuất lúa gạo, chứ Việt Nam không thể đi lo an ninh lương thực cho cả thế giới.
Thực tế hiện nay, do giá lúa gạo quá rẻ mà nhiều nước có thể chủ động được họ cũng không sản xuất mà đi nhập khẩu. Do vậy, phải đưa giá lúa gạo lên, để người nông dân hưởng lợi. Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao giá xăng dầu, điện có thể điều chỉnh tăng… mà giá lúa không theo quy luật đó? Phải đưa giá lúa vào một cuộc chơi bình đẳng.
Việt Nam có thể giảm diện tích đất trồng lúa xuống 2,5 triệu ha với mục tiêu tăng giá lúa lên gấp đôi hiện nay. Như vậy với 1 ha, hai vụ được 10 tấn lúa, nông dân sẽ thu được 100 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như hiện nay. Nông dân yên tâm trồng lúa, làm giàu từ lúa. Lúa vững thì nông nghiệp sẽ đứng vững.
Việc tăng giá không phải cứu nông dân mà đưa vị trí của nông dân trồng lúa lên cao. Đây cũng chính là cách khẳng định tiếng nói của người nông dân. Từ đó họ yên tâm bảo vệ đất trồng lúa. Ngược lại, nếu không có lợi ích, người nông dân không còn khát vọng giữ đất, giữ đồng, giữ nghề.
Với 2,5 triệu ha đất lúa, khu vực đất nông nghiệp còn lại chúng ta sẽ chuyển sang trồng ngô, đậu tương, trồng cỏ... để làm thức ăn gia súc. Hiện nay, hiệu quả nhất chính là chăn nuôi bò sữa.
Thị trường sữa Việt Nam còn rất lớn, khi nhu cầu tiêu thụ là 15 lít/người mà hiện tại trong nước mới sản xuất được 5 lít/người. Tiềm lực phát triển còn rất nhiều. Bây giờ giống có, công nghệ có, thị trường có, điều quan trọng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai để làm trang trại.
Đó là về thị trường, còn đột phá về khoa học công nghệ thì sao, thưa ông?
Trong khoa học kỹ thuật, cơ bản có hai mặt: Thứ nhất là tiếp nhận có chọn lọc những thành tựu của thế giới. Thứ hai là tự nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, cả hai mặt này chúng ta đều yếu. Do đó, phải có đột phá về cơ cấu sản phẩm và đột phát về công nghệ.
Đối với cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phải trả lời câu hỏi mũi nhọn của chúng ta là gì? Trong tầm nhìn ngắn và trung hạn, theo tôi sản xuất lúa gạo chỉ có bớt chứ không tăng vì đã phát triển đến ngưỡng. Cao su và cà phê cũng không tăng. Trong chăn nuôi, cần đưa bò sữa lên làm mũi nhọn. Trong tầm nhìn dài hạn, tôi nhận định cần phát triển cây trồng cung cấp nguồn năng lượng sinh học.
Tôi dự báo nền nông nghiệp Việt Nam cần hai giai đoạn để đi lên. Trong tầm ngắn và trung hạn (từ 10 tới 15 năm tới), chưa thể khôi phục phát triển nhanh mà trước mắt là khắc phục sự chững lại. Đó là làm cho đời sống nông dân khấm khá lên, nông thôn thay đổi.
Giai đoạn tiếp theo, nếu chính sách đất đai có giải pháp đột phá, phát huy 100% hiệu quả của khoa học kỹ thuật thì nông nghiệp sẽ tiếp tục có bước nhảy vọt, khi đó nền nông nghiệp Việt Nam có thể đạt giá trị 100 tỷ đô la.
Xin cảm ơn ông.
NGỌC TIẾN - N.C.KHANH
thực hiện
thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét