Nhiều ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại - đầu tư khu vực ĐBSCL” vừa diễn ra tại Hậu Giang cho rằng, để hoàn thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư thì các tỉnh, thành ĐBSCL cần liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh của toàn vùng.
Tiềm năng và thách thức
ĐBSCL là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản mà còn là cái “rốn” của nền nông nghiệp Việt Nam. Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản vùng ĐBSCL 10 năm qua tăng từ 56.000 tỉ đồng lên 110.000 tỉ đồng, tăng bình quân gần 7%/năm. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng năm 2011 đạt 9,5 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 6,7 tỉ USD. Trong khi cả nước luôn nhập siêu 27 năm qua thì ĐBSCL liên tục xuất siêu nhờ sự đóng góp từ các mặt hàng nông sản chủ lực.
Ảnh: DUY KHƯƠNG.
|
Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, kinh tế tăng trưởng chưa ổn định và vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn hẹp, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trong vùng còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: Việc thu hút đầu tư thời gian qua chưa có những dự án quy mô lớn, thật sự tác động mạnh đến phát triển công nghiệp của ĐBSCL. Quy mô vốn dự án FDI còn nhỏ, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Một trong các nguyên nhân cũng được cho là do cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật yếu kém và chất lượng nguồn nhân lực thấp. Ngoài ra, môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, việc xúc tiến đầu tư của ĐBSCL còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu chuyên nghiệp, thiếu định hướng chiến lược chung nhằm phát huy tối đa lợi thế của toàn vùng.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: Nội lực của vùng còn hạn chế là do xuất phát điểm hạ tầng kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực và trình độ quản lý, điều hành nền kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh và bền vững. Sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố còn nặng tính “toàn diện”, còn dàn trải ở nhiều lĩnh vực, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chuyên môn hóa về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành trong toàn vùng ĐBSCL.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược Win-Win, khẳng định: Để xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL cần xác định lợi thế so sánh từ vùng miền để tạo ra sự khác biệt bền vững. Xác định điểm chung trong mong đợi của khách hàng để từ đó đưa ra định vị chính xác cho từng mặt hàng nông sản tại khu vực, qua đó thực hiện các phương thức truyền thông phù hợp và hiệu quả mang tầm quốc gia. Để làm được điều này, cần có sự kết hợp giữa liên kết “4 nhà” và liên kết vùng miền.
ĐBSCL có nguồn cung trái cây dồi dào, nếu có sự liên kết chặt chẽ thì đầu ra nông sản càng thuận lợi.
|
Với những định hướng, tiềm năng và lợi thế, ĐBSCL khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây sẽ là nguồn cung nông sản mang tính quyết định cho thị trường nông sản TP.Hồ Chí Minh, kể cả nguồn cung lao động. Vì vậy, thực hiện bình ổn giá thị trường TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL là mối quan hệ không thể tách rời. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, chỉ ra rằng: Bình ổn giá tuy chỉ là biện pháp tác động lên mối quan hệ cung - cầu nhằm điều tiết thị trường, nhưng xét trên tổng thể nó còn chịu sự tác động mạnh mẽ từ thị trường cung nguyên liệu, lao động. Cho nên, việc tăng cường liên kết vùng ĐBSCL - TP.Hồ Chí Minh cần được xem là cơ sở, đồng thời cũng là giải pháp để thực hiện có hiệu quả bình ổn giá thị trường.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, khẳng định: Liên kết vùng ĐBSCL - TP.Hồ Chí Minh là nhu cầu tất yếu từ thực tiễn ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước và TP.Hồ Chí Minh - thị trường sôi động và rộng lớn nhất của cả nước. Hình thành mối liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đồng thời thực hiện việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Đây cũng là biện pháp tốt nhất để loại trừ những yếu tố bất ổn về cung cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa nhằm ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, thúc đẩy năng suất các vùng chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp, trong đó có ĐBSCL. Việc hình thành này phải đảm bảo trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, nâng cao uy tín thương hiệu, đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững cho từng thành viên trong chuỗi, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định kế hoạch kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh…
Bài, ảnh: T.THÚY
Nhận xét
Đăng nhận xét