Trần Hiệp Thủy
Tại Hội nghị khoa học địa lý toàn quốc diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, trong bài tham luận “Vị thế VN”, GS.TSKH Lê Đức An (Viện Địa lý VN) đã chỉ ra vị thế “trung tâm hành chính Asean”
của nước ta, thu hút sự quan tâm của nhiều người, nghe rất “sướng tai”. Theo GS. An, khối Asean gồm hai phần lục địa và hải dương như hai “Cánh cung” bao quanh biển
Đông, mà VN đang nằm giữa. Vị trí đặc biệt đó có thể mang đến cho VN, nhất là TP.HCM, cơ hội trở thành “trung tâm hành chính Asean” trong tương lai như Brussel của Bỉ là trung tâm hành chính châu Âu.
Cụ thể hơn, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh Asean của VN đã từng cho rằng, khu vực phía Nam có lợi thế “địa kinh tế” hơn so với miền
Trung và phía Bắc để tăng cường hợp tác KT toàn diện với cộng đồng Asean. Cũng
có ý kiến cho rằng, nếu lấy TP HCM (hoặc TP. Cần Thơ - trung tâm ĐBSCL) làm “tâm
điểm” để vẽ một vòng tròn với bán kính 500 Km sẽ hoạch định được một “không gian
phát triển” gồm nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Thực ra “vị thế VN” đã được bàn thảo nhiều qua các diễn
đàn như “Nước ta nhỏ hay không nhỏ” hay các chủ đề “địa kinh tế” khác. Sài Gòn
xưa đã từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” trước khi Bangkok, Singapore, Kualar Lumpur
… nổi lên trong khu vực. Rõ ràng, từ vị trí địa lý đến vai trò trung tâm khu
vực là khoảng cách mà xa hay gần còn tùy thuộc vào tư duy phát triển, định
hướng đúng đắn, cách thức để biến “tiềm năng, lợi thế” thành “hiện thực”. Vị
trí đó cũng có thể bị mất đi trong cuộc đua mới. Chúng ta đã làm được nhiều
việc và đạt được kết quả trên nhiều mặt, có nhiều đóng góp quan trọng hơn trong
khu vực. Nhưng lộ trình đi đến “vai trò trung tâm” mới vẫn còn xa. Không ít
người trăn trở khi dân Việt đã tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm cho khám, chữa bệnh ở Singapore,
nhưng đó lại là chọn lựa tốt đối với nhiều người vì đảo quốc này cung cấp nhiều
dịch vụ y tế nhất. Singapore đất hẹp, người đông, không có tiềm năng, thế mạnh nông
nghiệp, nhưng nhờ cung cấp nhiều dịch vụ tốt về hậu cần logistics, dịch vụ văn
phòng cho thuê … nên thu hút được nhiều tập đoàn toàn cầu đặt văn phòng điều phối,
tạo ra “bộ não điều hành” hoạt động giao thương nông sản. Đó cũng là cách thể
hiện “vai trò trung tâm” không phải chỉ dựa vào vị trí hay tiềm năng.
Yêu cầu phát triển mới đang đặt ra cho vùng ĐBSCL –
có vai trò quan trọng trong mạng
lưới sản xuất nông sản toàn cầu, cho Cần Thơ – đô thị cửa ngõ vùng hạ lưu sông
Mê Kông ra biển Đông, cần phải có tầm nhìn rộng hơn trong không gian phát lớn
hơn, không chỉ gắn kết chặt chẽ hơn với TP HCM và miền Đông Nam Bộ mà cần được
nhìn rộng ra trong khu vực Asean hay mạng lưới sản xuất, dịch vụ toàn cầu;
không chỉ hướng đến mục tiêu làm ra nhiều hàng nông sản, mà cần biết cách làm
ra nhiều giá trị từ nông sản và khai thác các lợi thế dịch vụ từ vị trí “Cánh
cung Asean”. Đó phải chăng cũng là cách ĐBSCL cùng với TP HCM hướng đến vai trò
“trung tâm” mà nhiều người đang kỳ vọng?
Nhận xét
Đăng nhận xét