Trần Hữu Hiệp
Nông dân (ND) Miền
Tây đang chật vật đốn mía non chạy lũ, giá mía lẫn giá đường đều giảm
mạnh, người
trồng mía và nhà máy đường (NMĐ) cùng lỗ, thừa đường nội, nhập đường ngoại, kể
cả đường nhập lậu ... Một mùa mía đắng nữa mà người đồng bằng phải gánh chịu. Người
trồng mía đã vượt lên chính mình, trở thành người sản xuất hàng hóa, phải chấp
nhận qui luật giá trị, cung – cầu. Nhưng ngành đường đang bị chia cắt với những
lợi ích khác nhau: NMĐ, doanh nghiệp (DN) sử dụng đường và ND, mà lợi ích đang bị
teo tóp. Cây mía đồng bằng đang bị chặt ra nhiều lóng.
Chương trình mục tiêu quốc gia 1 triệu
tấn đường là niềm mơ ước hơn một thập niên trước, nay đã vượt xa với sản lượng
đường sản xuất năm 2012 đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Theo Bộ NNPTNT, ước nhu cầu dùng đường năm nay khoảng 1,35 - 1,4
triệu tấn. Ngành đường không chỉ đáp
ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa mà trên lý thuyết còn thừa khoảng 200.000 tấn, chưa kể
còn khoảng 300.000 tấn đường tồn kho và khoảng 400.000 tấn đường nhập lậu/năm. Vậy mà, đầu tháng 9 vừa
qua, Bộ Công Thương đã cho phép nhập 70.000 tấn đường, có người lý giải là để … thực hiện
theo cam kết WTO. Ở góc độ lợi ích của mình, các DN sử dụng đường làm nguyên liệu thích
dùng đường ngoại hơn vì chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn đường nội. Cũng bảo vệ lợi ích của
mình, các NMĐ chỉ ép mía cầm chừng hoặc ngưng hoạt động. Hệ quả là người trồng
mía lãnh đủ. Nhưng khi lỗ lã, ND hè nhau bỏ mía, thì vụ sau các NMĐ thiếu
nguyên liệu phải ngưng hoạt động. Cái vòng luẩn quẩn đó kiềm hãm sự phát triển
của ngành mía đường nhiều năm qua chưa có lời giải căn cơ.
Cũng phải ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương như tỉnh
Hậu Giang, nơi có gần 15.000 ha mía, lớn nhất ĐBSCL. Bằng nguồn lực
hạn chế của một tỉnh nghèo, Hậu Giang đã quan tâm qui hoạch, đầu tư hệ thống hạ
tầng thủy lợi vùng nguyên liệu mía, thúc đẩy ký kết hợp đồng tiêu thụ mía giữa NMĐ
với ND. Trước vụ mía năm nay, UBND tỉnh đã làm việc với Hiệp hội mía đường VN,
các NMĐ để thống nhất thời điểm vào vụ ép mía, thu mua mía cho ND, ... Nhưng nỗ
lực đó không thể cải thiện được tình hình. Giải bài toán mía đường cần tư duy hệ
thống, cơ chế, chính sách và nhiều giải pháp điều hành đồng bộ … hơn là sự nỗ lực
của một địa phương.
Ngành mía đường cần sự thay đổi mạnh
mẽ, từ quy hoạch, đến đầu tư tăng
năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, sản phẩm đường; từ giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, đến
những giải pháp chỉ đạo điều hành linh hoạt, chặt chẽ trong từng thời điểm mà
việc hài hòa lợi ích nông dân – NMĐ – doanh nghiệp sử dụng đường ... là
yêu cầu bức thiết. Chỉ trên nền tảng đó, ngành đường mới phát triển bền vững.
Bài đăng BÁO LAO ĐỘNG ngày 18-10-2012
Bài đăng BÁO LAO ĐỘNG ngày 18-10-2012
"Không nhập, cạp đất mà ăn à?" - Bộ CT trả lời như thế đấy, Vụ trưởng ơi.
Trả lờiXóa"Đất nước mình nó thế" vụ trưởng à !