Thứ hai 01/10/2012 07:00
ANTĐ - Tháng 10, tháng của lễ hội Sena Dolta trên khắp vùng đồng lũ Tây Nam Bộ, tháng nô nức "hành hương" của dân du lịch và nhiếp ảnh về với mùa nước nổi, với miền Tây và văn hóa Khmer, về với Lễ hội Đua bò Bảy Núi vô cùng náo nhiệt và hấp dẫn đất An Giang.
Cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 300km đường quốc lộ phẳng phiu, chặng đường thêm ngắn lại bởi vẻ đẹp lóng lánh như gương của những cánh đồng mùa lũ. Qua cầu Tiền Giang, rẽ trái về thị trấn Sa Đéc, xuôi Long Xuyên rồi cán đích Tịnh Biên, Tri Tôn - Nơi diễn ra Lễ hội Đua bò vùng Bảy Núi. Những cánh đồng bát ngát soi bóng hàng thốt nốt xanh dưới ánh mặt trời. Quãng đường hơn 300km chỉ như thoáng qua tay lái bởi sự cuốn hút của phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Lễ hội Đua bò Bảy Núi, vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang xuất phát từ chính thực tế sản xuất của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang. Chuyện kể lại rằng: Vào mùa cấy hàng năm, trai tráng trong vùng đều mang bò về cày bừa đất của chùa, để phụ nữ cấy mạ. Dịp này, các trai làng rủ nhau dùng các đôi bò đang cày, bừa để đua với nhau, nhằm tạo không khí vui tươi trong lao động. Sau các cuộc đua, nhà chùa thường thưởng cho các đôi bò thắng cuộc. Đến năm 1992, lãnh đạo 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã xây dựng cuộc đua thành lễ hội thi đấu truyền thống, có điều lệ, thể thức thi đấu rõ ràng và được 2 huyện luân phiên tổ chức.
Mỗi cuộc đua ở Lễ hội Đua bò Bảy Núi thường diễn ra 2 vòng hô và 1 vòng thả để xác định người thắng cuộc. Thể thức thi đấu như thế khiến mỗi cuộc đua diễn ra với tính chất hơn thua rất khốc liệt. N điều khiển bò đua luôn cố gắng thể hiện hết bản lĩnh cũng như sự khéo léo trong cách điều khiển cặp bò của mình để đánh bại đối thủ. Càng tiến dần đến trận chung kết thì sự gay cấn được đẩy lên cao hơn, vì ở giai đoạn này chỉ còn các "tài cao thủ".
Trường đua thông thường là một thửa ruộng lầy. Đường đua dài 120m, còn lại hai đầu 40m là khoảng cách an toàn cho bò xuất phát và dừng lại tại điểm đích. Cạnh bên trường đua là một thửa ruộng nhỏ, nơi các cặp bò chuẩn bị trước khi vào đua. Người cầm vàm "tài xế" đứng trên chiếc bừa điều khiển đôi bò. Mỗi vòng đua từng cặp 2 đôi, đôi trước đôi sau tùy theo thỏa thuận hoặc bốc thăm. Với những chiếc lục lạc vàng ánh, chiếc ách sơn phết đẹp mắt, cặp sừng nhỏ nhắn khoác áo bông sặc sỡ, các đôi bò được bắt cặp chờ vào vòng đua. Sau hai vòng hô làm nóng, khi về tới điểm xuất phát, trọng tài sẽ phất cờ cho các cặp bò bắt bước vào vòng "thả" (vòng đua chính). Đoạn thả quyết định phân thắng bại chừng hơn 100m, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên bừa hay qua mặt là đôi sau thắng. Cuộc đua cứ vậy, hết đôi này đến đôi khác, cuồng nhiệt trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả.
Về với hội đua bò, du khách còn có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Bảy Núi nổi lên giữa mênh mông đồng lúa thẳng cánh cò bay, đến lễ đền thờ Bà Chúa Xứ linh thiêng, viếng thăm những ngôi chùa Khmer độc đáo, đến thăm khu bảo tồn thiên nhiên Rừng Tràm Trà Sư với những thảm thực - động vật hoang dã vô cùng đa dạng, đến với cuộc sống của cộng đồng dân tộc Chăm Islam Châu Đốc thân thiện và mến khách.
Nhận xét
Đăng nhận xét