Lời nói thêm người cập nhật Blog: Bài viết cho rằng "Quyết định đó thể hiện quan điểm duy ý chí, thiếu tính khoa học khi lấy số lượng bù chất lượng. Trong khi nền giáo dục đang khủng hoảng về chất lượng, giáo dục ĐH xuống cấp nghiêm trọng, tại sao Bộ GD-ĐT lại tiếp tục “phổ cập” cử nhân? Bộ GD-ĐT có lẽ đã quên chúng ta còn có những chính sách khác dành cho các vùng kinh tế - xã hội khó khăn như đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, chính sách dành cho 62 huyện nghèo". Ý kiến này cũng rất đáng được cân nhắc, chọn lựa thiệt hơn trong việc giải quyết mâu thuẫn lượng -chất nguồn nhân lực ĐBSCL. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, người có thẩm quyền, khi đưa ra quyết định, có thể chưa phải là tốt nhất, nhưng nếu nó tốt hơn tất cả những cái có thể làm được thì ... cũng nên. Cách giải quyết của Bộ GDĐT có thể chưa "ngon lắm", như làm cập rập, chưa thật "bài bản, căn cơ", nặng tính đối phó tình hình ... nhưng "cũng được" đó chứ. Cũng xin cung cấp thêm thông tin là, ĐBSCL có 106 huyện, nhưng không có huyện nào được hưởng chính sách ưu đãi theo "62 huyện nghèo" như bài viết nêu, việc cử tuyển với điều kiện hết sức hạn hẹp như chỉ dành cho người dân tộc ít người, đặc biệt khó khăn ... mất chục năm nay đã có, nhưng "vùng trũng" vẫn chậm, nếu không tiếp sức thì tụt hậu sẽ xa hơn. Đứng để đến lúc người đồng bằng bỏ trồng lúa, trái cây, nghỉ nuôi thủy sản ... lúc đó ta mới giựt mình, hết ăn gạo, trái cây, tôm cá rồi, những người "học giỏi" phải lo nhập thôi !
Nông dân ĐBSCL |
Cách đây không lâu, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị cho tiếp tục vận dụng điểm c, điều 33 của quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ được ban hành năm 2010, áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,5 lên 1 điểm đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú tại khu vực Tây Nam Bộ như những năm vừa qua.
Đề nghị này, theo BCĐ Tây Nam Bộ, xuất phát từ khu vực này có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Điểm c, điều 33 quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ vốn được xem là “phao cứu sinh” cho các trường đứng trước nguy cơ đóng cửa nhiều ngành do không tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT đã nhận ra kẽ hở này nên sau đó ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BGD ĐT ngày 5-3-2012, bỏ điểm c, điều 33 để nâng cao chất lượng đầu vào.
Đề xuất của BCĐ Tây Nam Bộ nêu trên được dư luận bình luận rằng nếu Bộ GD-ĐT chấp nhận cũng tức là tự đạp lên chân mình. Vậy mà Bộ GD-ĐT đã chấp nhận! Theo đó, các trường ĐH-CĐ có trụ sở chính đặt tại Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên được xét tuyển bổ sung đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh, TP thuộc 3 khu vực này, có kết quả điểm thi ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH-CĐ không quá 1. Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ.
Cần chú ý, đề xuất trên của BCĐ Tây Nam Bộ trong lúc các trường ĐH dân lập trên địa bàn này chỉ mới tuyển chưa đầy 50% chỉ tiêu, nhiều ngành học có thể phải đóng cửa. Cho nên, đề xuất này cũng là chiếc “phao cứu sinh” cho các trường ĐH dân lập! Còn Bộ GD-ĐT chấp nhận đề xuất đó cũng có nghĩa là chấp nhận hạ thấp chuẩn đầu vào, tự mâu thuẫn với mình!
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc chấp thuận đề xuất của BCĐ Tây Nam Bộ không có nghĩa là chỉ giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà còn giúp các địa phương vùng kinh tế khó khăn nâng cao trình độ lao động. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ về vùng Tây Nam Bộ, đến năm 2015, số lượng sinh viên/10.000 dân là 190 nhưng hiện chỉ mới ở mức 110-120.
Quyết định đó thể hiện quan điểm duy ý chí, thiếu tính khoa học khi lấy số lượng bù chất lượng. Trong khi nền giáo dục đang khủng hoảng về chất lượng, giáo dục ĐH xuống cấp nghiêm trọng, tại sao Bộ GD-ĐT lại tiếp tục “phổ cập” cử nhân? Bộ GD-ĐT có lẽ đã quên chúng ta còn có những chính sách khác dành cho các vùng kinh tế - xã hội khó khăn như đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, chính sách dành cho 62 huyện nghèo.
Cuộc đua theo số lượng này sẽ tiếp tục đẩy chất lượng giáo dục về đến giới hạn nào?
Lưu Nhi Dũ
Nhận xét
Đăng nhận xét