(DĐĐT) - Doanh nghiệp nhụt chí vì phải mua lúa giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg nhưng khi xuất khẩu thì giá bằng nhau. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phải đảm bảo lợi ích đôi bên và 2 bên không “phản bội nhau”.
Quả thật, đời không như là mơ. Đó là cảm xúc của những người đang dang dở với Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang.
Trong những lần cử cán bộ kỹ thuật đi coi lúa, Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang đã phát hiện ra nguyên nhân khiến những cánh đồng lúa kém năng suất và chất lượng.
Đó là do nông dân chưa biết cách chăm sóc lúa phù hợp. Từ đây chương trình hỗ trợ người nông dân với mô hình cánh đồng mẫu lớn bắt đầu được hình thành.
Bất cập của Cánh đồng mẫu lớn
Hộ nông dân tham gia vào mô hình này được Công ty đưa giống, phân bón, thuốc trừ sâu trước và không tính lãi.
Doanh nghiệp cam kết mua lúa với giá cao hơn thị trường.
Đến mùa gặt, Công ty đưa ghe, bốc vác đến tận ruộng chở lúa về nhà máy sấy khô và xay xát, nông dân bán cho Công ty hoặc để nhờ lúa trong kho của Công ty.
Sau một thời gian thực hiện, cánh đồng mẫu lớn đã giúp nông dân tăng năng suất, nhờ đó lợi nhuận tăng thêm khoảng 6-7 triệu đồng/ha so với trước.
Mô hình này giúp doanh nghiệp vừa bán được thuốc trừ sâu và phân bón, vừa giúp nông dân có thêm lợi nhuận. Thấy vậy, một số doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... cũng tham gia mô hình này tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mô hình này đang bắt đầu bộc lộ những nhược điểm.
Lúa được mùa, nông dân đến sau phải tự tìm chỗ cất trữ hoặc đem bán cho thương lái với giá rẻ vì doanh nghiệp không đủ chỗ chứa. Vụ hè thu 2012, Công ty Gentraco (Cần Thơ) không thể xử lý hết số lúa nông dân mang tới do hệ thống máy sấy, kho chứa chưa đủ lớn.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, cho rằng trở ngại lớn nhất là áp lực tiêu thụ khối lượng lúa gạo lớn do việc thu hoạch chỉ tập trung vào một thời điểm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu lại nhụt chí vì phải mua lúa giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg nhưng khi xuất khẩu thì giá bằng nhau. Cả nước có 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng cho tới nay chỉ có 4 công ty tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang, mô hình này giúp nông dân trồng lúa tốt nhưng chưa giúp họ bán được lúa. Theo ông, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mô hình này mới thật sự bền vững.
Những mô hình thành công
Thực tế, mô hình phát triển bền vững trong nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả. Điều khác biệt với mô hình cánh đồng mẫu lớn là những doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu sản phẩm.
Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư vùng nuôi nguyên liệu và tự cung cấp được 50%, số còn lại mua từ nông dân. Vinamilk cho biết họ khuyến khích các hộ chăn nuôi ký hợp đồng với Công ty để được tập huấn, hỗ trợ tín dụng. Vinamilk đã có 82 đại lý trung chuyển trên cả nước, tạo thuận lợi cho nông dân giao sữa hằng ngày.
Công ty Cổ phần Vinamit cũng là một trong những đơn vị tiên phong phát triển nguồn nguyên liệu bền vững. Vinamit liên kết với các trung tâm khuyến nông, viện nghiên cứu, các trường đại học tổ chức các cuộc thi về giống cây và trái cây ngon.
Sau khi tìm ra những bộ giống tốt, Công ty phát triển và nhân giống đại trà, cung cấp giống và kỹ thuật cho nông dân. Công ty này bảo đảm với nông dân bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiều năm.
Trong khi đó, Công ty Mía đường Lam Sơn ký hợp đồng trực tiếp với những hộ có diện tích mía từ 1 ha trở lên. Các gia đình có diện tích ít hơn thì cử người đại diện nhóm ký với Công ty.
Trong thời gian chăm sóc, Lam Sơn đầu tư khoảng 50% tổng số chi phí canh tác, gồm giống, vốn, làm đất, thu hoạch, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm. Công việc của nông dân chỉ là lo quỹ đất và tổ chức sản xuất. Trước khi vào vụ, Lam Sơn ký cam kết mua hết mía cho dân.
Có những năm, mía ở vùng bãi này bị lụt hỏng nhưng nhà máy vẫn mua cho nông dân. Có những năm lợi nhuận tăng nhiều, sau khi hạch toán công ty này còn bổ sung thêm tiền mua mía cho nông dân.
Lam Sơn còn thành lập một trường đào tạo nghề cho công nhân và nông dân trong vùng. Chính vì vậy, sau 20 năm liên kết, nhà nông và doanh nghiệp đã gắn kết tương trợ và cùng chia sẻ lợi nhuận.
Có thể thấy, mô hình liên kết nào cũng cần thiết cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, mối liên kết đó phải đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên và 2 bên không “phản bội nhau” thì mới bền vững.
Nhận xét
Đăng nhận xét