- Bác có nhớ năm ngoái có một anh tây viết trên báo ta rằng Việt Nam chỉ còn một con hổ?
- Nói ví von thế vì đang có đợt dư luận lên án giết hổ nấu cao hổ cốt. Riêng hổ vườn thú, hổ cảnh ở nhà đại gia cũng gần trăm con.
- Đó là chưa kể thỉnh thoảng lại bắt được xe chở hổ ra Hà Nội nấu cao. Gần đây, các nhà báo còn có cả phóng sự ở Nghệ An có vùng dân nuôi hổ như nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng một lứa, phóng viên còn ghi hình một nhà nuôi 4 hổ trên một tạ trong chuồng có 14m2, ngay sau phòng khách. Chủ nhà cho biết, vùng này gì cũng có, kể cả sừng tê giác, toàn đồ thật, giá bán phải chăng vì mua tận gốc…
- Đó mới là sự thật, chứ các số liệu “khoa học” của các cơ quan chuyên môn về động vật hoang dã thỉnh thoảng công bố để cảnh báo tớ không tin lắm. Cách đây không lâu, họ nói chỉ còn vài con voi (không tính voi nhà, voi du lịch), nhưng từ đó đến nay tháng nào cũng có tin voi bị giết để lấy ngà và lông đuôi, rất nhiều, và chắc sẽ còn nhiều hơn. Cán bộ bây giờ có bác nào vào rừng đếm voi, đếm hổ đâu. Đến làm dự án thuỷ điện còn chép báo cáo người khác.
- Nhưng cán bộ vẫn nói đúng, nếu cứ nấu cao, chơi ngà thì sẽ đến ngày hết cả hổ lẫn voi, tê giác hết trước rồi.
- Dân sẽ nuôi bù vào, cán bộ không bảo vệ được thì dân phát triển đàn hổ kinh tế cho mà xem.
- Hổ gầm to lắm, dân nuôi mà không ai nói gì, cũng lạ.
- Gỗ sưa to thế, dân vào rừng cõng về kìn kìn, kiểm lâm vẫn không hay.
- Có hay, như vụ kỳ nam vừa qua, đoàn kiểm tra vào để… chia chác, phải “nôn ra” nộp vào kho bạc nhà nước cả tỉ tiền “bồi dưỡng”.
- Không hiểu sau vụ “làm kinh tế hổ” lần này, cán bộ địa phương có bác nào bị xử không đây, hay cũng chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm là chính?
- Nếu cứ đem luật ra xử thì nuôi giết hổ chắc chắn phải có án. Còn cán bộ quản lý địa phương cũng phải chịu trách nhiệm, trừ phi… được tha!
Lý Sinh Sự (Báo LAO ĐỘNG)
Lý Sinh Sự (Báo LAO ĐỘNG)
Nhận xét
Đăng nhận xét