Trần
Hữu Hiệp
Lâu nay, người dùng điện thoại di động, thư điện tử,
hàng ngày phải chịu cảnh quăng hàng đống tin nhắn rác, thư quảng cáo vào “nhà
mình”. Từ thông tin mua, bán sim số điện thoại, tải nhạc, nhận quà, đến đủ các chiêu
lừa đảo khác quấy rối người dùng. Nhiều nhà mạng chẳng những không có biện pháp
hữu hiệu bảo vệ khách hàng, mà qua các chương trình khuyến mãi như “1.000 đồng
nhắn tin cả ngày không giới hạn”, “nhắn tín miễn phí thoải mái” … đã “tiếp tay
cho các “quảng tặc” phát tán tin nhắn rác.
Phép lịch sự mà trẻ con cũng biết là trước khi vào
nhà người ta phải xin phép, ít nhất là gõ cửa. Nhưng các tin nhắn lại bảo chủ
nhà ‘Để từ chối quảng cáo, nhắn lại số …”; vô duyên giống như việc nhảy vào nhà
người ta rồi mới bảo: “nếu không muốn cho tôi vào thì bảo là không”.
Việt Nam được xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng viễn thông
châu Á trên cả 3 lĩnh vực: điện thoại cố
định, di động và Internet, là thị trường viễn thông thu hút sự quan tâm của nhiều
hình thức quảng bá qua mạng, thương mại điện tử ... Theo số liệu thống kê, đến cuối
năm 2011, cả nước có 130,5 triệu thuê bao điện thoại (hơn cả dân số) trên 31 triệu người sử dụng
internet, chiếm 35% dân số. Hàng triệu
triệu người đang bị “tra tấn” bởi tin nhắn, thư rác.
Việc
“bảo vệ môi trường mạng” cũng cần thiết như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mạng
gmail, yahoo mail đã có các giải pháp chống “spam” khá hiệu quả. Thiết nghĩ, không
khó khăn gì mặt kỹ thuật, nhưng phải có qui định pháp luật rõ ràng xác định
trách nhiệm nhà mạng.
Mới
đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2012/NĐ-CP
ngày 05-10-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP
ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về chống thư rác. Thay vì cho phép người
quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chấm dứt việc gửi thư điện tử, tin nhắn
quảng cáo trong 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối, thì nay phải chấm
dứt ngay; số lượng thư điện tử, tin nhắn quảng cáo gửi đi trong ngày đến cùng 1
địa chỉ, có nội dung cũng bị giảm từ 5 xuống còn 1, trừ trường hợp đã có thỏa
thuận khác với người nhận.
Dù có nhiều tiến bộ, nhưng qui định mới cũng chưa chắc ngăn được
tình trạng “vào nhà rồi gõ cửa”, bởi các “quảng tặc” cũng có thể lách luật bằng
cách gửi nhiều tin nhắn với những nội dung không hoàn toàn giống nhau, việc kiểm
tra, xử lý không nghiêm, không thường xuyên … Vì vậy, thay vì chế tài “người lạ
vào nhà”, thì cần qui định nghĩa vụ của nhà mạng – người gác cổng – phải bảo vệ
chủ nhà của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét