Báo DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP (Thứ Sáu, 05/10/2012)
(DĐDN) Quyết định số 1392/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ
vừa giao Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương,
địa phương nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên
Giang). Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng trong lộ trình xây dựng hòn đảo
này trở thành “Đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc trung ương” vào năm
2020. DĐDN có buổi trao đổi với ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban
Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thành viên bộ phận giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu Phú
Quốc xung quanh vấn đề này.
Ông Hiệp cho rằng, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan
tâm qui hoạch, đầu tư, nhưng trước yêu cầu phát triển, cần rà soát các cơ chế,
chính sách hiện hành để đảm bảo thực thi có hiệu quả, đồng thời nghiên cứu đề
xuất mới các cơ chế, chính sách cần thiết, tạo động lực mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh
thu hút đầu tư phát triển Phú Quốc trong giai đoạn tới.
- Thưa ông, nhiệm vụ tới đây của tổ công tác sẽ tập
trung nghiên cứu, đề xuất gì để tham mưu cho Chính phủ nhằm hướng đến một Phú
Quốc trở thành “Đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc trung ương” đến năm
2020?
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ công tác, giao nhiệm vụ
cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ làm “nhạc trưởng” phối hợp với các Bộ, ngành trung
ương, địa phương, tham vấn các nhà đầu tư, nhà khoa học và các chuyên gia kinh
tế trong và ngoài nước để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu
tiên cho phù hợp với tình hình thực tế cũng nhằm hướng đến lộ trình xây dựng
một Phú Quốc “Đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc trung ương” vào năm 2020.
Trước mắt, tổ công tác đã xác định 4 lĩnh vực bức xúc cần tập trung ưu tiên các
giải pháp tháo gỡ đó là: Quy hoạch, cơ sở hạ tầng; Cơ chế tài chính, vốn đầu
tư; Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ và Thể chế các mô hình tổ chức, bộ máy
điều hành. Vấn đề này sẽ làm tiền đề để phát triển Phú Quốc giai đoạn 2013 -
2015.
- Vậy hướng tháo gỡ sẽ được thực hiện như thế nào,
thưa ông ?
Phú Quốc không xa |
Thời gian qua các chính sách phát triển đảo Phú Quốc
đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều
khó khăn do các quy định pháp luật thiếu đồng bộ, chồng chéo hoặc không phù hợp
thực tế cần sửa đổi, bổ sung.
Ví dụ, cơ chế cho phép Phú Quốc được hưởng khung chính
sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo qui định hiện hành đối với Khu kinh tế biển,
nhưng thực tế áp dụng bị vướng mắc do cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính
thức thành lập khu kinh tế biển Phú Quốc. Hoặc từ năm 2009, Thủ tướng đã giao
nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về tổ
chức, bộ máy của huyện đảo Phú Quốc để nó đủ sức đảm đương nhiệm vụ hơn hẳn một
đơn vị hành chính cấp huyện. Nhưng do triển khai chậm, nên chủ trương này vẫn
chưa được phát huy hiệu quả... Những vấn đề tương tự như vậy cần được phối hợp
tháo gỡ ngay để “cởi trói” cho Phú Quốc.
Ngoài ra, các chính sách thu hút đầu tư về đất đai,
xây dựng hạ tầng kỹ thuật, huy động nguồn vốn… của Phú Quốc trong thời gian qua
chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư do các ưu đãi trong chính sách đầu tư
còn chung chung, thiếu sức thuyết phục trong mời gọi đầu tư.
Cần xem xét một mô hình tổ chức cấp hành chính phù
hợp tương tự như tên gọi ”đặc khu hành chính- kinh tế.”
|
Về thể chế, Phú Quốc là bộ máy hành chính cấp huyện nên mọi vướng mắc
của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu dự án, thực hiện dự án đều phải
thông qua ý kiến cấp tỉnh nên các dự án thường chậm và điều này là nguyên nhân
làm tắc nghẽn và chậm tiến độ, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Tương tự, khung
pháp lý về cơ chế thông thoáng về xuất nhập cảnh, cư trú cho người nước ngoài,
chế độ tài chính và thủ tục hải quan, khách du lịch đến Phú Quốc cũng chưa thực
hiện được vì Phú Quốc chưa có cửa khẩu quốc tế…
- Thưa ông, lộ trình hướng đến một Phú Quốc trở thành
“Đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc trung ương” đến năm 2020 còn cần những
cơ sở pháp lý nào nữa ?
Để xây dựng thành công các cơ sở pháp lý để hình thành
khu hành chính kinh tế đặc thù ở Phú Quốc còn phải làm nhiều việc. Trong đó rất
cần một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về vấn đề này. Mặc dù trước đó đã
có một đơn vị hành chính tương tự là đặc khu Vũng tàu - Côn đảo, nhưng theo
Hiến pháp hiện hành, nước ta chỉ có các đơn vị hành chính cấp Trung ương, cấp
tỉnh, huyện và xã. Do vậy, trong thời gian tới nên xem xét một mô hình tổ chức
cấp hành chính phù hợp tương tự như tên gọi ”đặc khu hành chính – kinh tế” được
quy định trong bản Hiếp pháp mới.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Quốc hay còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn
đảo lớn nhất của VN. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo
Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích gần
600 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở
phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá
120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển
và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự
trữ sinh quyển thế giới.
Đến nay, huyện đảo Phú Quốc đã thu hút được 174 dự
án với tổng vốn đầu tư là 102.956,69 tỉ đồng. Trong đó có 16 dự án đã đưa vào
hoạt động; 8 dự án đang triển khai xây dựng và 150 dự án đang thực hiện các
thủ tục đầu tư. Hiện Phú Quốc đang hoàn thiện để chuẩn bị khánh thành sân bay
quốc tế Phú Quốc với diện tích hơn 900 ha, tổng nguồn vốn hơn 16.200 tỉ đồng,
đưa vào khai thác trong giai đoạn I dự kiến vào cuối năm nay.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét