Lời cóp nhặt: Ở Miền Tây quê tôi không có xích lô, chỉ có xe lôi, nay đã được hay bị dẹp rồi, tất cả chỉ còn là hoài niệm, hiển hiện trên đường phố bi giờ là mấy anh xe lôi Trung Quốc to đùng, ... Nghĩ xe lôi, đồng cảm với xích lô Thủ Đô nên post lại bài này trên NGƯỜI ĐƯA TIN của HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM.
(Nguoiduatin.vn) - Xích lô thuộc về văn hóa truyền thống, trong xã hội hiện nay, duy trì nó là cách để giữ lại những nét đẹp, giữ lại cốt cách, thanh lịch và bản sắc văn hóa Hà Nội.
Nhân danh tính hiện đại
Thông tin xích lô Hà Nội sắp bị xóa sổ, không chỉ khiến dư luận và cộng đồng mạng băn khoăn, khó hiểu mà nó còn khiến những người làm văn hóa cũng có không ít những trăn trở.
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, TS Hà Hữu Nga hiện đang công tác tại Phòng nghiên cứu phát triển bền vững đô thị và khu công nghiệp - Viện phát triển bền vững Bắc bộ - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã dẫn ra một sự liên hệ thú vị hàm chứa nhiều suy nghĩ sâu sắc xung quanh quyết định mới này của Sở GTVT Hà Nội.
Ông kể rằng: “Dưới thời vua Minh Mệnh, nhân danh “cách mạng”, nhân danh “tính hiện đại” và đi theo mốt thời trang mặc quần của phụ nữ Bắc Quốc, người ta đã phê phán truyền thống bằng cách ra một nghị quyết, rồi triển khai nghị quyết đó bằng việc bắt phụ nữ miền Bắc bỏ chiếc quần không đáy (váy, đụp, mấn) ngàn đời của dân tộc. Việc cấm xích lô chắc không “tiếp thu tinh hoá văn hoá truyền thống từ nghị quyết cha ông” kiểu đó, nhưng vẫn phần nào cũng khiến người ta liên tưởng tới bốn câu thơ:” Tháng sáu nghe chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Đi thì phải mượn quần chồng sao đang? Giờ đây, khi nhiều kẻ xích lô không còn nghề, ngồi nhỏ dãi ngóng tivi công cộng ở các góc phố cổ chiếu cảnh người Amsterdam đi toàn xe đạp bên các con kênh ngàn đời, người Bangkok đi tuktuk thăm chùa Phật Vàng, người Bangalore đi xích lô dưới bóng các toà cao ốc thì không biết họ có còn quần cho vợ mượn để lên chợ làm người thanh lịch không?”.
Ảnh minh họa (Internet) |
Không chỉ là câu chuyện đã qua trong lịch sử, lời chia sẻ của TS Hà Hữu Nga có lẽ còn gợi mở ra nhiều những vấn đề liên quan đến văn hóa, đến đời sống của những người gắn bó mật thiết với loại phương tiện được xem là quá thô sơ trong xã hội hiện đại này.
Xích lô vẫn còn nhiều ý nghĩa
Dù chỉ là một phương tiện nhỏ bé và thô sơ nhưng ý nghĩa của xích lô không chỉ nằm ở khả năng chở tải mà nó còn được xem là một nét đẹp văn hóa, một hình ảnh rất riêng của Hà Nội.
Khi được hỏi về quyết định tiến tới sẽ cấm sự hoạt động của loại phương tiện này ở thủ đô, TS Đỗ Lan Phương - Trung tâm nghiên cứu văn hóa và phát triển - Viện Văn hóa Việt Nam cho biết: “Xích lô hiện nay hầu như không được sử dụng như một phương tiện vận tải nữa, nó đã trở thành một biểu tượng của lịch sử thành phố và chỉ còn ý nghĩa với du lịch. Số lượng xích lô lưu thông cũng chỉ tập trung ở khu phố cổ với số lượng ít nên nói chung sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề giao thông”.
Cuộc sống hiện đại làm xuất hiện rất nhiều phương tiện hiện đại, văn minh, con người ta sẽ cải tiến, thay thế những phương tiện cũ, lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Xích lô, dù không bắt kịp về tốc độ và sức lực đối với những con xe hiện đại, nhưng có lẽ đối với môi trường và các cá thể xung quanh nó hoàn toàn không gây hại. Ngày nay, xích lô cũng đang được cải tiến trông sao cho đẹp hơn, hữu dụng hơn và cơ động hơn.
Xích lô là phương tiện thăm quan phố cổ được nhiều người yêu thích (Ảnh Internet) |
Đánh giá về sự phù hợp của quyết định mới này, Th.s Phạm Quang Lê - Phó Giám đốc TT nghiên cứu văn hóa văn minh cũng đưa ra ý kiến của mình: “Về cơ bản cách làm tiến tới cấm xích lô hoạt động là không phù hợp. Xích lô thuộc về văn hóa truyền thống, trong xã hội hiện nay, duy trì nó là cách để giữ lại những nét đẹp, giữ lại cốt cách, thanh lịch và bản sắc văn hóa Hà Nội. Mô hình văn hóa mà chúng ta đang đi theo đó là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại chứ không thể nào lấy một bỏ một. Bản sắc văn hóa truyền thống vẫn là nền tảng, cốt lõi. Bên cạnh sự phát triển song hành những cái mới, vẫn nên duy trì bảo lưu những cái cũ còn phù hợp”.
Trong nhịp sống đang hối hả trôi đi từng ngày, có lẽ điều mà những con người trong thời đại mới quan tâm không chỉ là những gì văn minh, tiên tiến. Chính những điều đã qua, những kỉ niệm, thói quen… lại trở thành những khoảng lặng để mỗi người cân bằng cuộc sống của mình. Và xích lô cũng vậy.
Đừng cấm như một thói quen
Dư luận chưa hết bình luận với quy định “khó hiểu” về việc ô tô, xe máy đi vào nội thành theo ngày chẵn lẻ của ngành giao thông thì giờ đây lại thêm thắc mắc về dự định sẽ xóa sổ xe xích lô. Để giải quyết bất cập cho bài toán giao thông tại các đô thị phải chăng chỉ có phương án “cấm”?
Khi được hỏi về giải pháp cho vấn đề này, TS Phương cho biết: “Chúng ta cứ có thói quen “cấm” để đối phó với những khó khăn bất cập không giải quyết được, mà chưa thực sự chú ý đến xây dựng văn hóa giao thông. Nếu tất cả các phương tiện có luật đi riêng của mình, người điều khiển có được ứng xử đúng đắn với phương tiện của mình và các loại phương tiện khác thì sẽ không gây cản trở gì đến trật tự an toàn giao thông”.
Nên có sự tổ chức bài bản và quy củ hơn đối với xích lô du lịch (Ảnh Internet) |
Theo Ths Phạm Quang Lê: “Cấm cũng được. Nhưng Cấm phải có chọn lọc. Đối với những xích lô chở tải cồng kềnh, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đường phố thì có thể tịch thu và ngừng hoạt động. Nhưng đối với xích lô du lịch, nên duy trì và phát triển quy mô, bài bản hơn để lữu giữ văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch.”
Ông cũng đề xuất thêm: “ Dưới góc độ của nhà quản lý văn hóa, tôi nghĩ khi đưa ra những quy định có liên quan đến những phương tiện có liên quan đến văn hóa, ngành giao thông vận tải nên có những bàn bạc, trao đổi với những người làm văn hóa để có được những giải pháp đồng bộ và khoa học hơn.”
Nhận xét
Đăng nhận xét