Nguồn lực đa dạng để cam kết bỏ vốn 2 tỷ USD tăng thêm sau giai đoạn 2016-2020, để đầu tư các dự án mang tính liên vùng đang là điểm nghẽn trong giao thông vận tải, BĐKH và các quy hoạch vùng đã được phê duyệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Trong khi đó, việc phân bổ vốn ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng đòi hỏi phải vượt ra ngoài không gian hành chính tỉnh và nội bộ một ngành, vẫn đang bị vướng mắc bởi nhiều quy định của Luật Ngân sách, Luật Ðầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Quy chế liên kết vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành năm 2016, chọn lựa một số lĩnh vực, nội dung thực hiện thí điểm đến năm 2020, nhưng đụng chạm đến nhiều cơ chế tài chính, thủ tục đầu tư chưa được tháo gỡ.
Quy định ngân sách trung ương bố trí tối thiểu 10% trong tổng mức đầu tư cho vùng để thực hiện liên kết vùng, đến nay vẫn chưa thực hiện được do Quốc hội đã có nghị quyết bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Trong khi yêu cầu thu hút các nguồn vốn khác cho các chương trình, dự án liên kết vùng theo hình thức hợp tác đối tác công tư đang rất cần những cơ chế, chính sách mới. Nếu không có cơ chế tài chính đặc biệt trong thời gian tới, thì mục tiêu huy động thêm ít nhất 45.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới khó thực hiện được. Đó chính là điểm nghẽn thứ hai sau quy hoạch cần phải vượt qua.
Để tháo điểm nghẽn giao thông, có thể sử dụng một phần ngân sách TPHCM nộp về Trung ương để đầu tư cho phát triển giao thông ĐBSCL và TPHCM. Hàng năm, TPHCM nộp 80% tổng thu ngân sách về Trung ương, dành khoảng 20% trong số này để đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của ĐBSCL và TPHCM trong 10 năm (2020-2030) là nguồn lực quan trọng. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân |
Theo đó, các quyết sách lớn từ Nghị quyết đã tạo ra nhiều kỳ vọng mới cho đồng bằng. Do vậy cần đánh giá lại sau 2 năm thực hiện cái gì chưa làm được, điểm nghẽn ở đâu để có giải pháp, quyết sách tới. Làm sao để 5 năm sau, bằng cách nào, nguồn lực ở đâu, và trách nhiệm thuộc ai để phát triển đồng bằng đạt được mục tiêu đã định.
Trước tiên, cần phải định rõ lộ trình từ nay đến kết thúc kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020 và mục tiêu cho 5 năm tới (2021-2025), xác định rõ đâu là nhiệm vụ trọng tâm, địa chỉ chịu trách nhiệm từng đầu việc, thời hạn hoàn thành, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Theo đó, cần ưu tiên tập trung 3 nhóm giải pháp vượt điểm nghẽn, tạo chuyển biến:
Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng. Xây dựng cơ chế phối hợp, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả của Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Cần thành lập Hội đồng điều phối vùng có thực quyền, tập trung 3 lĩnh vực then chốt là điều phối quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án. Giúp việc cho Hội đồng chỉ cần có một bộ phận hoặc văn phòng gọn, nhẹ, cán bộ chuyên môn tinh thông. Hoạt động bên cạnh Hội đồng là nhóm tư vấn phát triển nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và các vấn đề phát triển vùng ÐBSCL.
Thứ hai, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân, là điều kiện cần để giải quyết điểm nghẽn vốn đầu tư. Xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới, theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực trung ương, địa phương, ODA, FDI với cam kết một khoản vốn trong số 2 tỷ USD tăng thêm so giai đoạn 2016-2020.
Thứ ba, Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng. Tầm nhìn dài hạn trước thách thức, cạnh tranh cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai, đòi hỏi phải vượt qua các điểm nghẽn bằng cơ chế tài chính vượt trội, hành động đột phá. Để đạt được yêu cầu đó, phải huy động sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người dân.
https://www.saigondautu.com.vn/dbscl-muon-thao-diem-nghen-can-co-che-rieng-post64123.html
Nhận xét
Đăng nhận xét