Trần Hữu Hiệp
Báo NLĐ - 22-10-2022 - 08:00
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra, thảo luận và cho ý kiến.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến về báo cáo và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP HCM trong bối cảnh đầu tàu kinh tế của cả nước đã vượt qua những thách thức to lớn, chưa có tiền lệ, phục hồi và phát triển mạnh mẽ theo hình chữ V sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, cần được tiếp thêm sức mạnh.
Kết quả thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và cơ chế ủy quyền cho cấp huyện tuy gặp phải những hạn chế từ thực tiễn, nhưng đã tăng tính chủ động, tự quyết và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển thành phố. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa đối với TP HCM mà còn tạo cơ sở thực tiễn và pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với các địa phương trên cả nước.
Mô hình phát triển hài hòa là yêu cầu, TP HCM phải đi bằng "đôi chân": kinh tế - văn hóa xã hội và môi trường. Nhưng đầu tàu kinh tế quốc gia cũng cần được hài hòa giữa trách nhiệm với việc tạo ra động lực mới. Là địa phương có nguồn thu cao nhất, chiếm gần 68,5% của vùng Đông Nam Bộ, cao hơn gần 16 lần nguồn thu của Tây Nguyên nhưng suốt thời gian dài, TP HCM có tỉ lệ điều tiết ngân sách (khoản để lại) thấp nhất, chỉ chiếm 18%, trong khi các thành phố trực thuộc Trung ương khác là Hà Nội được để lại 35%, Hải Phòng: 78%, Đà Nẵng: 68% và Cần Thơ là 91%. Điều này, một mặt cho thấy vai trò và sự đóng góp to lớn của thành phố, mặt khác cũng tạo ra thách thức. Nhìn lại 3 năm gần đây, tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn của TP HCM đang có xu hướng thấp hơn.
Thực tế cho thấy cơ chế, chính sách đặc thù còn tạo điều kiện, động lực để phát huy tiềm lực, năng động, sáng tạo mà không bị kìm hãm, bị níu kéo do chính sách cào bằng.
Triết lý đi trên "đôi chân phát triển" - kinh tế và văn hóa, xã hội và môi trường của TP HCM vẫn đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cần được xem là một cơ hội mới để tận dụng tạo ra nguồn vốn, khai thác nguồn lực mới, trong đó có nguồn lực tài chính từ đất đai, đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, năm 2022 là khoảng thời gian ngắn nhưng rất quan trọng. Thành phố mạnh dạn đề xuất với Trung ương chọn là nơi triển khai thực hiện thí điểm những vấn đề mới, cần thiết để rút kinh nghiệm mà thực hiện chung cho cả nước.
Với vai trò là nơi cung cấp gần 1/4 cho ngân sách quốc gia, TP HCM tạo nguồn thu không chỉ cho thành phố mà còn vì cả nước. Nếu như sự năng động của TP HCM trong quá khứ và hiện tại, việc khai thác nguồn lực đầu tư là mô hình tốt cho các địa phương khác, thì triết lý và mô hình phát triển hài hòa của TP HCM được trợ lực để tăng lực, tăng tốc phát triển đang được kỳ vọng là một hình mẫu phát triển mới.
https://nld.com.vn/goc-nhin/tang-luc-cho-dau-tau-kinh-te-20221021223542727.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét