TTO - Làm ra giống gạo ngon là một việc, thương mại hóa gạo ngon là lĩnh vực hoàn toàn khác. Hãy để Anh hùng lao động Hồ Quang Cua tiếp tục chăm chú với ruộng đồng. Còn chuyện kinh doanh, bán gạo, bảo vệ thương hiệu... dành cho người khác...
Câu chuyện gạo ST25 của kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua đang bị người khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại tại Mỹ được dư luận quan tâm.
Trong khi đó ông Hồ Quang Cua bộc bạch: "Tôi không làm được gì vì không rành pháp luật về lĩnh vực này. Tôi chỉ tập trung về chuyên môn của một nhà khoa học về chọn tạo giống lúa".
Dù không ai có thể đăng ký bảo hộ độc quyền gạo ST25 ở các nước khác, kể cả ở Mỹ, nhưng câu chuyện làm ăn lớn với gạo ST25 là đáng suy nghĩ.
Thật ra, những cuộc chiến của doanh nghiệp Việt trên đường xuất ngoại bị tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền đã xảy ra nhiều năm qua. Như "bà già đeo kiếng" Phạm Thị Tỏ bôn ba nước ngoài giành lại nhãn hiệu "Kẹo dừa Bến Tre" những năm 2000.
Rồi cuộc kiện tụng của chủ nhân thương hiệu Đức Thành - Vinamit hay các vụ việc liên quan thương hiệu, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, Buôn Ma Thuột, thuốc lá Vinataba... là những bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt.
Chúng ta đã hội nhập, một mặt không chỉ tuân thủ các cam kết mà còn phải chơi theo luật chơi quốc tế. Không chủ động cuộc chơi, chúng ta nhiều lúc sẽ chịu ấm ức vì có kẻ phỗng tay trên như một số trường hợp đã gặp phải.
Cần khẳng định rằng thương hiệu gạo ST25 là tài sản của ông Cua và các đồng sở hữu. Trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn trước tiên thuộc về chủ sở hữu với việc đăng ký theo đúng quy định hiện hành của nước sở tại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt, nhất là các thương hiệu nông sản nổi tiếng quốc gia, rất cần được trợ lực từ cơ quan quản lý, hiệp hội và cộng đồng nhưng phải đúng luật chơi mà Việt Nam đã cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương.
Nhưng nói hỗ trợ như trên là rất chung chung, nếu doanh nghiệp không chủ động giữ gìn và phát triển tài sản của mình. Bởi vì muốn xây dựng thương hiệu, muốn phát triển thị trường, trước tiên phải cần vốn, rất nhiều vốn, sau là "công nghệ" xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Yêu cầu này vượt quá sức của những doanh nghiệp như ông Cua.
Nhưng thị trường cũng đã mở lối, có nhiều cách làm, như doanh nghiệp nhỏ như ông Cua có thể "cổ phần hóa" hoặc hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác theo kiểu tôi có kỹ thuật còn anh có vốn, hiểu biết về thị trường, tiếp thị, phân phối sản phẩm, ngoại thương, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhất là ở nước ngoài...
Có lẽ con đường đó mới thật sự đưa hạt gạo ST25 có mặt khắp nơi.
Một mình doanh nghiệp ông Cua không thể sản xuất ra nhiều gạo ST25 đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng nếu doanh nghiệp này hợp tác để có nguồn lực, khi đó sẽ cung ứng giống, cẩm nang, tiêu chuẩn để nhiều nông dân khác trồng gia công gạo ST25. Rồi gạo ST25 được bán trong các siêu thị, đại lý theo những tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Việc tiếp theo là đăng ký thương hiệu để được bảo hộ... Ai bán gạo nhái thương hiệu, giả ST25 sẽ bị doanh nghiệp "điểm mặt" báo cơ quan chức năng xử lý.
Làm ra giống gạo ngon là một việc, thương mại hóa gạo ngon là lĩnh vực hoàn toàn khác. Hãy để cho Anh hùng lao động Hồ Quang Cua tiếp tục chăm chú với ruộng đồng. Còn chuyện kinh doanh, bán gạo, bảo vệ thương hiệu... dành cho người khác, những người cùng hợp tác với ông Cua.
https://tuoitre.vn/tiep-suc-cho-gao-ong-cua-20210424074426171.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét