Xuân Nghi -
VnEconomy - 14:00 18/01/2022
Việc TP. Cần Thơ được thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 01 tháng 3 tới theo nghị quyết của Quốc hội, sẽ giúp Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Đây được xem là động lực giúp TP. Cần Thơ phát triển nhanh, vững chắc đồng thời phát huy vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“CÚ HUÝCH” CHO CẦN THƠ PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM
TP. Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên 1.400 km2, gồm 9 quận, huyện (5 quận và 4 huyện) với dân số hơn 1 triệu 200 ngàn người (tháng 4/2019), là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không với trong nước và quốc tế.
Cần Thơ cách TP.HCM theo tuyến quốc lộ 1 là 170 km và khoảng cách đến các tỉnh trong vùng từ 60 – 190 km. Khác với nhiều địa phương trong vùng, Cần Thơ có địa hình bằng phẳng và nước ngọt quanh năm.
Theo số liệu sơ bộ của Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ (tháng 7/2021), Cần Thơ hiện đứng thứ 12/63 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 4 trong số 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (sau Long An, Tiền Giang và Kiên Giang) với 89.247 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế, bao gồm: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 9,44%; Công nghiệp, xây dựng chiếm 30,64%; Thương mại và dịch vụ chiếm 52,32%.
Là địa phương có tốc độ phát triển ổn định về kinh tế trong vùng; tuy nhiên, năm 2021 vừa qua, cùng với cả nước, kinh tế - xã hội Cần Thơ cũng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Báo cáo của Cục Thống kê TP. Cần Thơ cho biết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 giảm 2,79% so với năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 10,7%; khu vực dịch vụ tăng 0,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,16%. Tổng thu ngân sách nhà nước, tính đến ngày 20/12/2021thực hiện là 12.940,5 tỷ đồng, đạt 70,35% dự toán.
TP. Cần Thơ đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, khoảng 3,24% GRDP của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và khoảng 9,45% GRDP của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,50 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005; cao hơn so với GDP bình quân đầu người cả nước 64,49 triệu đồng, đứng vị trí thứ 5 so với các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và trong top đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
MỘT DIỆN MẠO CẦN THƠ MỚI CẦN ĐƯỢC “TRANG ĐIỂM”
Với 6 cơ chế đặc thù cho Cần Thơ (Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi; áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư), đây thực sự là cơ hội để Cần Thơ phát triển nhanh, xứng tầm. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Hữu Hiệp, điều quan trọng là phải nhanh chóng kích hoạt vận hành cơ chế. Nó đòi hỏi năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của chính quyền thành phố, yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa, cần sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đơn cử số liệu về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020 chỉ mới chuyển đổi được 802 ha trong tổng số 3.825 ha tổng diện tích hạn mức đất trồng lúa cần chuyển đổi, tức là mới đạt 20,97%, TS. Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh rằng, điều đó cho thấy “điểm nghẽn” thủ tục và thẩm quyền đồng thời bộc lộ khoảng trống thực thi so với chỉ tiêu kế hoạch. “Cơ chế thí điểm có thể tạo ra nguồn lực mới, nhưng nguồn lực có thực sự được tạo ra hay không phụ thuộc vào hiệu quả thực thi được kích hoạt”, ông nói.
Mặc dù có nhiều lợi thế về tự nhiên, địa lý và nằm ở trung tâm các tỉnh miền Tây Nam Bộ; song trên thực tế, TP. Cần Thơ trong thời gian qua chưa phát huy các thế mạnh với vị trí và vai trò là “đầu tàu kinh tế”. Tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ trong nhiều năm ở mức khá, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế. Trong thời gian dài, Cần Thơ chưa thực sự là trung tâm,là động lực của cả vùng; lĩnh vực du lịch chưa tạo được bước đột phá. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Cần Thơ chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành, xây dựng được các trung tâm liên kết sản xuất vùng. Điểm “nghẽn” lớn nhất đối với sự phát triển của Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian dài là hạ tầng giao thông:chưa đồng bộ đã tác động đến phát triển kinh tế, xã hội chưa đạt kỳ vọng. Chưa đóng được vai trò là “chìa khóa” vấn đề liên kết vùng.
PGS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Cần Thơ cần phát huy logistics đường bộ vì đây là điểm mạnh của Cần Thơ. Ngoài ra, Cần Thơ cũng có thể trở thành một trung tâm trung chuyển nông, thủy, hải sản của đồng bằng sông Cửu Long
https://vneconomy.vn/thi-diem-cac-co-che-dac-thu-tao-cu-huych-giup-can-tho-phat-trien-xung-tam.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét