Báo Đại biểu Nhân dân -- Thứ Năm, 03/02/2022, 07:53
TRIỂN VỌNG RẤT TÍCH CỰC
- PV: Kinh tế Việt Nam tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh, đồng thời cũng thể hiện sự hồi phục khá tích cực sau khi chúng ta chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với Covid-19. Diễn tiến này có mang tới cho các chuyên gia những dự cảm lạc quan về triển vọng năm 2022?
Dù vậy, tôi cho rằng vẫn có những triển vọng và cơ hội phát triển. Lý do trước tiên và quan trọng nhất là chúng ta đã xác định chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (Nghị quyết 128).
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh vào chỉ dấu rất quan trọng cho triển vọng này là sự phục hồi của ngành du lịch - ngành kinh tế tổng hợp. Nếu như năm ngoái du lịch gần như đóng băng thì việc mở cửa đường bay quốc tế trong năm nay chắc chắn sẽ giúp ngành này phục hồi và có tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Theo các trang thăm dò quốc tế, Việt Nam vẫn là điểm đến được khách du lịch quan tâm. Vấn đề là chúng ta phải bảo đảm điều kiện an toàn và đồng bộ trong mở cửa du lịch.
- TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG: Có nhiều dữ liệu để tin rằng kinh tế Việt Nam năm 2022 chắc chắn sáng hơn rất nhiều so với năm 2021.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt dù dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở trong nước cũng như trên thế giới. Hết tháng 11.2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD - đây là một kỷ lục mới của thương mại hàng hóa nước ta. Năm 2022, dự báo nền kinh tế các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU sẽ phục hồi và chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh, kéo theo đà tăng của nền kinh tế.
Đặc biệt, việc Quốc hội xem xét thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô lớn nhất từ trước tới nay chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- TS. LÊ DUY BÌNH: Cũng như các chuyên gia, tôi tin tưởng triển vọng kinh tế năm 2022 sẽ tích cực hơn năm 2021. Ngoài những dẫn giải trên, tôi cho rằng sự lạc quan còn xuất phát từ chỗ ở tầm quốc gia kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát ở mức thấp.
Trong các điểm sáng đó, sự đồng hành của Quốc hội và công tác điều hành thích ứng, nhanh nhạy hơn trong phòng chống dịch của Chính phủ đóng vai trò quyết định, tạo lập nền tảng quan trọng để tính tới phục hồi và phát triển kinh tế.
- PV: Với niềm tin vào triển vọng tích cực của kinh tế năm 2022, các chuyên gia dự báo thế nào về tốc độ tăng trưởng năm 2022?
Dù vậy, các nghiên cứu và thảo luận chính sách đều nhận định đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của một số nhóm rủi ro chính. Đó là dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kể cả ở những quốc gia đã làm chủ công nghệ vaccine, tham gia chuỗi cung ứng vaccine hay có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Thứ hai là nhóm rủi ro liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là xu hướng tăng giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới.
Đặt trong bối cảnh ấy, tôi cho rằng Việt Nam có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức 6,3 - 6,5%. Nền tảng quan trọng cho kỳ vọng ấy là việc Việt Nam sẽ duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, qua đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân yên tâm với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
ĐỘNG LỰC MỚI CỦA TĂNG TRƯỞNG
- PV: Theo các chuyên gia, đâu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2022?
- TS. CẤN VĂN LỰC: Xét từ phía cung, ngành nông, lâm, thủy sản vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực, khoảng 2,5 - 3%. Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ trở về trạng thái trước dịch, tăng trưởng 12 - 14%. Một số ngành bán buôn bán lẻ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp, du lịch trong nước cũng sẽ phục hồi tích cực, còn du lịch quốc tế sẽ phục hồi từ quý III.2022.
Về phía cầu, "cỗ xe tam mã" dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay. Xuất khẩu sẽ tăng 15 - 17%. Đầu tư bao gồm trực tiếp nước ngoài, đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ phục hồi mạnh. Tiêu dùng cũng sẽ phục hồi về trạng thái gần trước dịch, tăng từ 8 - 9% cả năm.
- TS. TRẦN THỊ HỒNG MINH: Tôi cho rằng, động lực mới cho tăng trưởng là việc bắt nhịp vào thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gắn với những hành động quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP. Ở một phương diện khác, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó khai thác sớm những cơ hội từ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng là một động lực quan trọng.
- TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG: Tôi đồng tình với nhận định của các chuyên gia về động lực tăng trưởng trong năm 2022. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, tăng trưởng chắc chắn sẽ phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, vì là ngành chính liên quan xuất khẩu điện thoại, máy tính, điện tử… Việc Chính phủ đầu tư nhiều vào các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, gồm mạng lưới đường cao tốc năm 2022 - 2023 cũng sẽ giúp doanh nghiệp vật liệu xây dựng, sắt thép và xây dựng tăng trưởng cao. Đặc biệt, khi mở cửa lại ngành du lịch với việc nối lại đường bay quốc tế sẽ giúp ngành du lịch phục hồi nhanh, đóng góp vào tăng trưởng.
- PV: Vậy còn những thách thức thì sao, thưa các chuyên gia?
- TS. LÊ DUY BÌNH: Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn! Lạm phát đang trong tầm kiểm soát nhưng cũng có khả năng quay trở lại khi triển khai gói kích cầu kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã dần phục hồi song vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể hoạt động như trước bởi dịch hiện vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, việc sử dụng một số nguồn lực vẫn chưa hiệu quả khi giải ngân đầu tư công năm 2021 chưa như mong muốn. Sức mua của người dân suy giảm nghiêm trọng bởi dịch kéo dài khiến thu nhập giảm, tỷ lệ mất hoặc thiếu việc làm gia tăng, ảnh hưởng đến kích cầu nội địa. Đặc biệt, sức ép từ gói kích thích kinh tế sẽ rất lớn! Nếu không triển khai hiệu quả cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng các nguồn lực, ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí có thể còn trở thành gánh nặng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.
- TS. TRẦN THỊ HỒNG MINH: Tôi cho rằng, trong năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rủi ro nhất định, bao gồm dịch bệnh Covid-19, giải ngân đầu tư công chậm, nguy cơ nợ xấu tăng cao... Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là sức sống của khu vực doanh nghiệp bị suy giảm đáng kể sau những đợt dịch Covid-19 trong 2 năm qua. Nếu không kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ khó tận dụng hết hoặc phần lớn cơ hội từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, từ các hiệp định thương mại tự do…
SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA QUỐC HỘI ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
- PV: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đang hiện hữu, Quốc hội và Chính phủ cần lưu tâm những gì để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế?
- TS. CẤN VĂN LỰC: Năm 2022 có ý nghĩa bản lề, nếu tăng trưởng không tốt thì khả năng rất cao là không hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, chúng ta phải quyết tâm thực hiện thành công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế và kết hợp chặt chẽ với thực hiện chiến lược về phòng chống dịch.
Đồng thời, phải phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để vừa phục hồi kinh tế, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, trong đó có chuyện kiểm soát lạm phát, trung hòa các tác động chính sách không đáng có từ việc thực hiện chương trình phục hồi. Nên cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn, khoảng 13 - 14%; quan tâm tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để có khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa bảo đảm an toàn vốn vừa an toàn tổ chức tín dụng. Đồng thời, ban hành luật mới về xử lý nợ xấu bởi hiện nợ xấu đang tăng cao và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu cũng sắp hết hiệu lực.
Ngoài ra, cần chú trọng triển khai các nhiệm vụ khác như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chương trình xây dựng nông thôn mới, chống biến đổi khí hậu để bảo đảm phát triển bền vững. Thêm nữa, chú trọng phát huy hơn nữa các đầu tàu kinh tế, nhất là với 5 thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm tính kết nối, lan tỏa.
- TS. TRẦN HỮU HIỆP: Quan trọng nhất là chúng ta không thể chậm chân trong phục hồi! Tinh thần của Nghị quyết 128 cần được triển khai thống nhất, mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong năm nay. Cần tuyệt đối tránh việc có những cách hiểu, cách làm khác nhau, đặc biệt với gói kích thích kinh tế. Chúng ta cần phải mở cửa du lịch bằng cách mở cửa bầu trời. Phải phát triển thương mại điện tử, tăng tốc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối du lịch, số hóa bản đồ du lịch. Phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến ngành kinh tế tổng hợp này. Trong đó, tất nhiên, cần triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để họ phục hồi.
- TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG: Tôi hoàn toàn chia sẻ với những kỳ vọng vào việc triển khai gói kích thích kinh tế đối với sự phục hồi và phát triển đất nước. Tuy nhiên, năng lực thực thi gói này là điều đáng quan ngại nhất hiện nay. Minh chứng là việc giải ngân vốn ODA những năm qua rất chậm. Do đó, gói hỗ trợ này nên đặt trong điều kiện đặc biệt, tức là cần linh hoạt so với quy định pháp luật hiện hành để đẩy nhanh giải ngân và đạt hiệu quả.
Thể chế cũng là vấn đề cần lưu tâm. Đây cũng là thách thức rất lớn với Chính phủ và buộc Chính phủ phải hành động, bảo đảm chính sách đồng nhất từ trên xuống dưới.
- TS. TRẦN THỊ HỒNG MINH: Chính ở đây, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng. Hỗ trợ trực tiếp nhất cho doanh nghiệp chính là thông qua việc sớm ban hành và thực thi hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, qua đó tạo sức bật cho doanh nghiệp, đồng thời tạo thêm tổng cầu cho nền kinh tế. Hiệu quả của những hỗ trợ ấy sẽ lớn hơn nếu Chính phủ tiếp tục “làm mới” những sáng kiến cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, đặc biệt trong những lĩnh vực còn nhiều dư địa như kiểm tra chuyên ngành, giấy phép xây dựng…
Đối với cả hai nội dung trên, sự đồng hành của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôi đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Quốc hội trong việc xem xét, tạo cơ chế cần thiết để thảo luận, hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Quốc hội cần theo sát quá trình thực hiện chương trình này, để giúp tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Theo đó, Quốc hội cần thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cử tri, qua đó đưa ra những nội dung, vấn đề mà Chính phủ cần đặc biệt lưu tâm, xử lý.
- Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Báo chí- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét