Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 13-01-2020 - 05:23
Ngày 12-1, Vietjet Air tổ chức lễ khai trương 2 đường bay quốc tế Cần Thơ - Seoul (Hàn Quốc) và Cần Thơ - Đài Bắc (Đài Loan), tiếp nối một năm mở hàng loạt đường bay mới, đánh dấu một giai đoạn khởi sắc của cổng trời miền Tây
Sân bay Cần Thơ là 1 trong 10 sân bay quốc tế của cả nước, vốn là một sân bay quân sự từ năm 1961. Những năm 1990, từng có một số chuyến bay nối Tân Sơn Nhất - Cần Thơ, do hiệu quả thấp đã ngưng hoạt động. Sân bay quốc tế Cần Thơ được đầu tư, nâng cấp và đưa vào khai thác trở lại vào năm 2009 nhưng suốt nhiều năm liền không mở được các tuyến bay quốc tế, chỉ khai thác được khoảng 20% công suất.
Một năm bằng 10 năm
Quá khứ là thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, đầu năm 2019, sân bay quốc tế Cần Thơ đã mở thêm 7 đường bay mới, từ vài chuyến bay/tuần đã có khoảng 20 chuyến bay/ngày, kết nối trực tiếp Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) với sự tham gia của hãng bay quốc tế AirAsia. Và mới đây, hãng hàng không Vietjet Air đã khai trương 2 đường bay quốc tế Cần Thơ - Seoul (Hàn Quốc) và Cần Thơ - Đài Bắc (Đài Loan), đánh dấu một giai đoạn mới của cổng trời miền Tây "1 năm bằng 10 năm".
Hàng loạt đường bay mới mở tại sân bay Cần Thơ trong năm 2019 và đầu năm 2020 Ảnh: CA LINH
Chưa bao giờ sân bay Cần Thơ có nhiều hãng bay và đường bay như hiện nay. "Cổng trời Tây Đô" đang rộng mở với 9 đường bay nội địa đến Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Lạt, Côn Đảo và Phú Quốc và 4 tuyến bay quốc tế đến Kuala Lumpur, Bangkok, Seoul và Đài Bắc. Sân bay quốc tế Cần Thơ là điểm đến của các hãng hàng không quốc tế AirAsia (Malaysia), Thai AirAsia (liên doanh AirAsia và Thái Lan’s Asia Aviation), Thai Vietjet Air và các hãng bay trong nước: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và VASCO. Ngoài ra, các hãng bay đang vận động thành lập mới như Vietravel Airlines, Vinpearl Air cũng đang để mắt đến sân bay này trong tương lai.
Kỳ vọng và thách thức
Những kết quả thống kê tích cực về kinh tế, thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của vùng ĐBSCL trong năm qua, đặc biệt là quan hệ ngoại giao kinh tế rộng mở của nước ta và các địa phương trong vùng đang mở ra nhu cầu đi lại ngày càng tăng qua cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - Cần Thơ năm 2019 vừa qua với quy mô lớn nhất, lần đầu tiên tổ chức tại ĐBSCL cũng đã thu hút đông đảo du khách, các hãng du lịch. Nhiều dự án đầu tư, các cuộc tiếp xúc, giao thương ngày càng tăng đang mở ra những cơ hội mới cho ngành hàng không.
Việc mở thêm đường bay mới, tăng tần suất bay trên các đường bay hiện có đang là nhu cầu, là thị trường cạnh tranh của các hãng hàng không tại Cần Thơ. Các chuyên gia hàng không nhận định mức tăng trưởng "2 con số" của hàng không Việt Nam sẽ giảm dần sau năm 2020. Trong bối cảnh cạnh tranh mới, tình trạng "công bố rầm rộ, rút đi lặng lẽ" của một số đường bay trước đây là bài học chiêm nghiệm và thách thức mới cho "thời cất cánh" của sân bay Cần Thơ.
Các nghiên cứu thống kê, phân loại hành khách và doanh thu của các đơn vị du lịch cho thấy lượng khách qua sân bay Cần Thơ chủ yếu là du khách, cán bộ công chức đi công tác và thương nhân. Xác định các phân khúc khách hàng để cung ứng dịch vụ phù hợp là việc của các hãng hàng không. Sân bay góp phần tăng lượng hành khách bằng chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ mặt đất nhưng tạo ra nhu cầu hàng không cần có trách nhiệm của chính quyền. Hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối các phương thức giao thông của bộ, ngành trung ương và địa phương có vai trò rất quan trọng để thu hút các hãng bay và hành khách.
Động lực lâu dài cho những đường bay phải là nhu cầu hàng không từ sức hút của phát triển kinh tế vùng, hoạt động đầu tư, thương mại sôi động, sức hấp dẫn của ngành du lịch. Sự rộng mở của "cổng trời Tây Đô" không chỉ là lực của ngành hàng không mà là sự phát triển của kinh tế - xã hội, thương mại du lịch vùng ĐBSCL, tạo ra sức "cầu", làm tăng tốc lực "cung". Vì vậy, rất cần động lực phát triển không chỉ từ sân bay, hãng bay mà đang rất cần sự phối hợp, nỗ lực của cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, quản lý bay và của cả hành khách, của các cơ quan truyền thông và cộng đồng.
Phía trước đường băng sân bay Cần Thơ, những đường bay dài hay ngắn, nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào không gian vật lý và vận tốc bay mà còn là năng lực cạnh tranh vùng, khoảng cách trách nhiệm, ý thức và những nỗ lực mang tính chuyên nghiệp hơn của các bên liên quan.
https://nld.com.vn/thoi-su/mo-rong-cong-troi-mien-tay-20200112212014297.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét