Trần Hữu Hiệp
Sức hấp dẫn từ thành phố đảo đầu tiên của cả nước này - một mảng sáng trên bản đồ thu hút đầu tư của ĐBSCL - cũng đang đặt ra nhiều thách thức và kỳ vọng cho cả khu vực Tây Nam Bộ.
Sân bay quốc tế Phú Quốc |
Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ là quyết sách quan trọng, xác định tầm nhìn dài hạn, tư duy kiến tạo, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội ở ĐBSCL. Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị và Quyết định phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ là sự chuyển hướng chiến lược từ "khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh" sang "thích ứng thuận thiên", phục hồi và tăng cường "sức khỏe" cho ĐBSCL, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi.
ĐBSCL đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, có thể là hình mẫu phát triển, nâng cao sức chống chịu, thích ứng và vươn lên mạnh mẽ của một đồng bằng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động tiêu cực của vấn đề nước xuyên biên giới.
Không gian phát triển mới của vùng ĐBSCL được bố trí theo 4 hành lang, gồm: Hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang và hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang. ĐBSCL có 4 khu vực phát triển động lực, gồm: TP Cần Thơ - trung tâm vùng; tứ giác Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với hệ thống đô thị loại I và phát triển Phú Quốc gắn kết với hệ thống đô thị ven biển, đô thị đảo.
Trong không gian đó, các tỉnh, thành cần cụ thể hóa bằng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình để thu hút nguồn lực và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng.
"Trục xương sống" của vùng ĐBSCL vẫn là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chất lượng nguồn nhân lực. Những ý tưởng mới, tinh thần mới, bố trí không gian phát triển mới cho ĐBSCL rất cần được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách thực thi; cần được tổ chức công bố, kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội cùng với ưu tiên bố trí vốn đầu tư công và yêu cầu liên kết vùng theo 4 nhóm giải pháp đồng bộ:
Một là, cơ chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng; hoàn thiện thể chế điều phối vùng; tăng cường vai trò của các địa phương trong hội đồng điều phối vùng
Hai là, tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân.
Ba là, tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện quy hoạch; những cơ chế, chính sách mới.
Bốn là, nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ cần được xem là chìa khóa thành công trong phát triển vùng ĐBSCL.
https://nld.com.vn/thoi-su/tang-suc-hut-cho-dbscl-20221016221326289.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét