Trần Hữu Hiệp
Báo Người Lao Động - 05-09-2021 - 08:40
Tình trạng giao thông hàng hóa ùn tắc tại cửa ngõ ở một số tỉnh, thành phố những ngày trước một lần nữa yêu cầu liên kết vùng được đặt ra trong phòng chống dịch bệnh, lưu thông hàng hóa và nhiều lĩnh vực khác.
Dòng chảy "luồng xanh" cần được kết nối thông suốt không chỉ là nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng xuất khẩu hay hàng tiêu dùng thiết yếu mà còn là yêu cầu phối hợp đồng bộ, thông suốt và hiệu quả giữa chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL trước yêu cầu dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 593/QĐ-TTg về thí điểm cơ chế liên kết vùng ĐBSCL đến năm 2020. Hội đồng điều phối vùng kinh tế trọng điểm gồm 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau; Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giữa 13 tỉnh, thành trong vùng và TP HCM cũng đã được thành lập. Nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, trước những vấn đề quan trọng cần phối hợp nội vùng, liên vùng càng trở nên bức thiết hơn.
Ứng phó với dịch bệnh, các ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã được thành lập từ trung ương đến địa phương, cấp cơ sở. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có tốc độ lây lan rất nhanh trên diện rộng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Số người chết và nhiễm bệnh mức cao nhất và tiếp tục diễn biến khó lường. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tìm tòi, thử nghiệm các cách thức quản lý của các địa phương trước diễn biến nhanh khó lường của dịch bệnh dễ dẫn đến chệch choạc cần được cảm thông. Nhưng quan trọng là chấn chỉnh kịp thời và bảo đảm không tái diễn các sai sót.
Yêu cầu phòng chống dịch rất cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng, sự chỉ huy thống nhất của ban chỉ đạo phòng chống dịch từng cấp. Thực tế đang rất cần một cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng để phòng chống dịch hiệu quả. Đó cũng là cách thức bảo đảm "mục tiêu kép" được cụ thể hóa trong tình thế cấp thiết, trạng thái "chống dịch như chống giặc" hiện nay.
Từ thực tiễn, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo UBND và cơ quan chức năng các tỉnh để trao đổi, thống nhất phương thức, nội dung, phối hợp phòng chống dịch, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản và một số lĩnh vực cần thiết khác. Cùng với việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó dịch bệnh với các tình huống khác nhau, đã đến lúc cần xây dựng cơ chế liên kết vùng thiết thực, hiệu quả.
Để "chuỗi liên kết" không bị đứt gãy gây tắc nghẽn, đòi hỏi sự chỉ huy thống nhất, phối hợp thông suốt, tổ chức lực lượng hiệu quả, tạo đồng thuận cao và ứng dụng công nghệ tốt. Dòng chảy "luồng xanh liên kết vùng" cũng như các khâu kiểm tra, giám sát khác cần được ứng dụng công nghệ nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công. Cần vận hành hiệu quả các tiện ích của hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về dịch tễ với hàng hóa.
Mỗi địa phương cần thống nhất các vấn đề có tính nguyên tắc, không được gây ách tắc cục bộ, không được đặt ra các quy định riêng ảnh hưởng đến vấn đề chung như lưu thông hàng hóa, dịch chuyển dân cư, lây lan dịch bệnh. Các vấn đề khác, cần phân công, phân vai rõ ràng và phối hợp thực hiện. Các cấp quản lý cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách. Cần cá biệt hóa trách nhiệm cá nhân trong thời gian thực hiện giãn cách làm cơ sở cho triển khai nhiệm vụ tiếp theo.
https://nld.com.vn/thoi-su/thong-luong-xanh-lien-ket-vung-20210904224043311.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét