Sáu Nghệ
Báo Nông nghiệp Việt Nam - Thứ Sáu 31/07/2020 , 06:20 (GMT+7)
Nhiều ứng dụng mà cách đây vài năm như chuyện đùa, nay là sự thật trong nông nghiệp ĐBSCL. Các Hai Lúa ngồi quán cà phê miệt vườn vẫn theo dõi mọi công việc.
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở Quảng Ninh
Ứng dụng công nghệ số để sinh tồn và đột phá sau dịch Covid-19
Đường hướng chi tiết cho vùng cây ăn quả lớn nhất nước
Các 'chiến sỹ áo xanh' và thời điểm tuyệt vời nhất để số hóa nông nghiệp
TS Trần Hữu Hiệp ở Trường Đại học FPT Cần Thơ. Ảnh: Chí Quốc |
Trong đó, nổi lên vấn đề khá mới mẻ là cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đổi mới sáng tạo, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Phóng viên trò chuyện với TS Trần Hữu Hiệp ở Trường Đại học FPT Cần Thơ.
“Nông nghiệp số” của Hai Lúa
Thưa ông, có thể nói ngắn gọn về kinh tế số và kinh tế chia sẻ?
Kinh tế số, theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford là “kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Trong đó tập hợp 3 quá trình xử lý chính đan xen với nhau là xử lý vật liệu, xử lý năng lượng và xử lý thông tin.
Xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, vùng miền cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đóng góp cho sự hội nhập quốc gia hay chuỗi công nghệ toàn cầu.
Kinh tế chia sẻ là một mô hình thị trường được chia sẻ mang tính cộng đồng thông qua các dịch vụ trực tuyến, dựa trên nhu cầu và lợi ích chung của các tác nhân tham gia, nhằm khai thác tối đa các lợi ích kinh tế nhàn rỗi trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản mà nó còn trong trạng thái tài nguyên chưa khai thác.
Việc phát triển các app công cụ để truy xuất nguồn gốc sản thực phẩm, các mặt hàng nông sản, mã vạch, tem chất lượng gây chú ý, xây dựng một “hệ sinh thái bền vững” cho chuỗi liên kết thực phẩm.
Khả năng thực hiện kinh tế số và kinh tế chia sẻ của nông dân ĐBSCL?
Nhiều ứng dụng mà cách đây vài năm như chuyện đùa, nay là sự thật trong nông nghiệp ĐBSCL. Các Hai Lúa miền Tây có thể ngồi quán cà-phê miệt vườn để theo dõi công nhân làm việc hằng ngày qua màn hình điện thoại di động thông minh.
Tương tự, họ có thể điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông tôm bằng cách kích hoạt phầm mềm tự động trên smartphone.
Tập đoàn Rynan Holdings JSC ở Trà Vinh đầu tư hệ thống trạm quan trắc nước, xử lý thông tin, tập đoàn đã cung cấp cho nông dân tỉnh này bộ công cụ “làm nông bằng điện thoại”. Nhiều hợp tác xã và nông dân đã biết ứng dụng các công cụ kèm theo.
Chỉ cần xem độ mặn, ngọt của nước trong các sông, rạch hiển thị trên “cái alo thông thái”, các Hai Lúa có thể điều khiển từ xa hệ thống bơm tát nước tự động cho nuôi tôm hay trồng lúa, trồng màu với nhiều tiện ích và hiệu quả kinh tế vượt trội. Mô hình không chỉ trong địa bàn Trà Vinh, mà đang được nghiên cứu nhân rộng ra các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang…
Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời đã giúp những nông dân trở thành cổ đông, doanh nhân nông nghiệp, mở ra cơ hội chia sẻ lợi ích thông qua sàn giao dịch chứng khoán, số hóa giá trị nông sản.
Nhờ tích hợp các dữ liệu, Lộc Trời đã ứng dụng viễn thám địa lý cho nông nghiệp và nước (SAT4RICE) giúp nông dân An Giang và nhiều địa bàn vùng nguyên liệu của Tập đoàn nắm bắt thông tin đồng áng qua điện thoại thông minh mà không cần phải ra đồng.
Nông dân @ chỉ cần truy cập phần mềm, chọn thửa ruộng sẽ nắm được toàn bộ dữ liệu của thửa ruộng đó từ lúc sạ cho đến lúc thu hoạch. Nông dân Đồng Tháp cũng đã biết trồng xoài qua mạng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua đó, nông nghiệp ĐBSCL đã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mức độ nào?
Qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Kinh tế số, nông nghiệp số từ lý thuyết đã trở thành thực tiễn sinh động trong đời sống nông thôn miền Tây, nơi mà lâu nay, nhiều người nghĩ sẽ mãi quanh quẩn bên dấu chân lấm bùn của các hoạt động kinh tế nông nghiệp truyền thống.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, GPS, ứng dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng internet tích hợp, smartphone, thương mại điện tử của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã cung cấp nền tảng công nghệ để phát triển mạnh mẽ hơn nền nông nghiệp số đang bước đường khai phá. Một hệ sinh thái, hạ tầng kỹ thuật cho kinh tế số, nông nghiệp số đang được hình thành giúp chắp cánh cho những ý tưởng kinh doanh mới và ứng dụng vượt trội.
TS Trần Hữu Hiệp chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Ảnh: Chí Quốc |
Còn nhiều hạn chế, vướng mắc
Phải chăng đã rộng đường cho đổi mới sáng tạo của Hai Lúa?
Thực tế còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Rõ nhất là về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám… của Việt Nam chưa đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng của các dạng thức kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Có 6 loại cơ sở dữ liệu quan trọng được Thủ tướng Chính phủ xác định tại Quyết định 714 ngày 22/5/2015 là dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính và bảo hiểm, hoặc đang được xây dựng, hoặc chưa có nhiều ứng dụng hỗ trợ cho các loại hình kinh tế chia sẻ phát triển mạnh mẽ. Vùng ĐBSCL cho đến nay vẫn chưa có một trung tâm tích hợp thông tin dữ liệu vùng để dùng chung.
Hệ thống thống kê theo vùng không hoàn chỉnh, khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch theo vùng nên cũng không thể hỗ trợ cho các dạng thức kinh tế chia sẻ, kinh tế số dựa trên nền tảng thông tin, dữ liệu vùng.
Một điểm yếu kéo dài của ĐBSCL là thiếu liên kết, vào thời chuyển đổi số đã giải quyết được chưa?
Chưa có hoặc còn thiếu và yếu liên kết trong việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, trung tâm (dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm mô phỏng và dự báo, trung tâm an toàn thông tin...).
Xây dựng chính quyền số để phù hợp vai trò quản lý đô thị thông minh còn là vấn đề mới, lúng túng trong triển khai. Từ đó dẫn đến khó liên kết, chia sẻ các nguồn tài nguyên từ hạ tầng công nghệ thông tin, không tạo lực đẩy khuyến khích đổi mới sáng tạo và các nền tảng ứng dụng cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ trong tương lai. Đó chính là thách thức trong xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, chất luợng dựa trên các nền tảng này.
Còn hạn chế ở thể chế không?
Vẫn còn. Nền tảng pháp lý, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo thông qua các mô hình kinh tế chia sẻ. Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Thương mại điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ thông tin, các luật thuế về nghĩa vụ tài chính và các văn bản hướng dẫn các đạo luật này chưa có quy định đầy đủ, cụ thể về loại hình kinh tế chia sẻ.
Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn thuần túy là các quy định kinh doanh truyền thống, còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh các hoạt động kinh tế chia sẻ, vừa tạo ra các “khoảng trống pháp lý”, vừa gây khó khăn cho việc phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ.
Còn thiếu các qui định trách nhiệm rõ ràng của các bên trong kinh tế chia sẻ, thường là quan hệ “ba bên” thay vì “hai bên” trong quan hệ hợp đồng kinh tế, dân sự truyền thống, nên dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Để vượt qua “dấu chân lầm bùn”
Xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm chất lượng và hiệu quả là con đường ĐBSCL phải đi, trong tư duy cần vượt qua điều gì?
Cần vuợt qua “dấu chân lấm bùn của nền nông nghiệp kinh nghiệm truyền thống” lâu nay. Khuyến khích đổi mới sáng tạo để ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm chất lượng và hiệu quả.
Theo ông, đâu là lĩnh vực ưu tiên?
Để tạo lập các nguồn vốn, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài nguyên, các mô hình kinh tế chia sẻ của vùng ĐBSCL, đề xuất ưu tiên tăng cường liên kết vùng theo 4 lĩnh vực ưu tiên. Một là quy hoạch, kế hoạch vùng tích hợp với các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch ngành, các đề án xây dựng thành phố thông minh.
Hai là liên kết vùng đầu tư kết cấu hạ tầng viễn thông, giao thông, năng lượng. Ba là phát triển sản xuất và các loại thị trường: tài chính, tiền tệ, hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học – công nghệ. Bốn là thiết lập hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu vùng, các dữ liệu chuyên ngành đất đai, tài nguyên nước, quản lý dân cư, đô thị… và sử dụng có hiệu quả các nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nói đến liên kết thường nổi lên vấn đề cơ chế tài chính để thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, ông có đề xuất gì?
Theo Luật Ngân sách hiện hành và các qui định về lập kế hoạch ngân sách hàng năm, vùng không phải là một cấp ngân sách. Việc đầu tư cho vùng ĐBSCL phụ thuộc vào sự đầu tư của Trung ương và các tỉnh, thành.
Vì vậy, cần xây dựng Quỹ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ huy động nguồn tài chính để đầu tư cho các dự án phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có tính liên kết vùng và liên vùng, ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế chia sẻ.
Trước mắt, cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động, phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Phó Thủ tướng. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong Vùng trong việc triển khai xây dựng các Smart City đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin đồng bộ, tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các mô hình kinh tế chia sẻ.
Gắn với các mục tiêu ưu tiên phát triển vùng ĐBSCL, trên cơ sở quy hoạch lại và phân vùng phù hợp theo các yêu cầu quy hoạch không gian phát triển, yêu cầu thị trường và quy hoạch tích hợp được quy định trong Luật Quy hoạch. Trong đó, ưu tiên quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng gắn với cơ sở hạ tầng viễn thông, thông tin theo hướng tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng.
Về xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống mạng, phát triển các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng của các dạng thức kinh tế chia sẻ.
Thiết lập, vận hành hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu tổng hợp và chuyên ngành cho vùng ĐBSCL theo các định hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về quy hoạch vùng; về hợp tác đầu tư, thị trường vùng; công bố kết quả nghiên cứu khoa học; tài nguyên và môi trường, đất đai và các lĩnh vực chuyên ngành thiết yếu khác.
Bạn đang đọc bài viết Vượt qua dấu chân lấm bùn của nông nghiệp truyền thống tại chuyên mục Thời sự Nông nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét