Trần Hữu Hiệp
Báo Người Lao Động - 01-07-2019 - 07:58
Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển của ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức.
Sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Tây không phải đến bây giờ mới có nhưng ngày càng trở nên nghiêm trọng, nguy hiểm, thất thường hơn, trở thành thách thức to lớn cần được chỉnh trị và thích ứng hiệu quả. Tư duy lại vấn đề mang tính hệ thống, xác định đúng nguyên nhân, vẽ bản đồ sạt lở với các giải pháp công trình, phi công trình đang là đòi hỏi vừa bức bách vừa căn bản lâu dài của vùng này.
Sạt lở ở ĐBSCL |
Nguyên nhân sạt lở không thể đổ cho thiên tai, biến đổi khí hậu mà trực tiếp là do nhân tai, từ những yếu kém nội tại của vùng đến những tác động tiêu cực xuyên biên giới. Đó là việc sông Mê Kông bị chặn dòng xây đập thủy điện làm giảm một nửa lượng phù sa nuôi sống các dòng sông đồng bằng. Hay là những yếu kém nội tại trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước trời cho của chúng ta phá vỡ các "túi trữ nước tự nhiên" Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên bằng nhiều đê bao cục bộ. Việc xây kè, đắp bờ sông của tỉnh này gây lở bờ của tỉnh khác theo quy luật tự nhiên "bên bồi, bên lở" là khó tránh khỏi. Nhiều thị trấn, thị tứ, khu dân cư, nhà ở ven sông mọc lên, nhiều kè lấn sông, xây công trình ngay bên bờ sông và những lỗ hổng trách nhiệm trong quản lý. Tội đồ cát tặc bồi thêm "những cú đấm hội đồng" lên các dòng sông làm sạt lở nghiêm trọng hơn.
Khi sạt lở diễn ra trên diện rộng làm mất cân bằng hệ thống thì cần được nhận diện, tiếp cận đa ngành, tăng cường phối hợp liên ngành. Ứng phó với sạt lở không thể quanh quẩn tại các điểm sạt lở hay trong ranh giới hành chính một huyện, một tỉnh. Cần một chiến lược tổng thể "cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên đất và nước bền vững.
Không thể phủ nhận những giải pháp công trình cần thiết nhưng với thực trạng yếu liên kết vùng, quản lý "thiếu phối hợp, thừa chồng chéo" thì cần nhiều hơn các giải pháp phi công trình. Trên cơ sở tổng điều tra, khảo sát, đánh giá tổng hợp khoa học tình hình, nguyên nhân chủ yếu của sạt lở để có giải pháp, lộ trình, cách giải quyết phù hợp. Cần một bản đồ hệ thống để mỗi địa phương, người dân đều nhận diện được mức độ nghiêm trọng để phòng tránh. Bên cạnh các biện pháp khẩn cấp tạm thời, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân, cần có các giải pháp căn cơ trong thế chủ động. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn nhưng cũng không quên các mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học, tạo sinh kế cho người dân trong an toàn.
Chương trình hành động tổng thể của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP xác định rõ nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương là ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất trong vùng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai các mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề là việc tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình hành động này.
https://nld.com.vn/thoi-su/tu-duy-tren-ban-do-sat-lo-20190630204720812.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét