Giao thông là mạch máu, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết nội vùng, liên vùng. Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết về phát triển các vùng kinh tế - xã hội của quốc gia, bao gồm: Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Các Nghị quyết về phát triển vùng để định vị không gian phát triển, huy động và bố trí các nguồn lực.
Cầu Cần Thơ - Công trình giao thông quan trọng ở ĐBSCL |
Theo đó, những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận từ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, TPHCM - miền Đông Nam bộ và ĐBSCL đang tạo ra kỳ vọng mới. Đó là yêu cầu gắn kết giữa Trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết các vùng kinh tế.
Phấn khởi trong hiện tại, kỳ vọng ở tương lai, nhưng phải tránh chuyện không vui cũ lặp lại với những công trình giao thông trễ tiến độ, kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Bài học cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kéo dài 13 năm, có 3 lần thay đổi chủ đầu tư, nguồn vốn mới hoàn thành, nhiều tuyến cao tốc phải trễ hẹn vừa qua.
Trong khi thời gian tới cả nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường cao tốc giai đoạn mới, càng trở nên thách thức. Thời gian tới, cả nước phấn đấu hoàn thành 2.000km cao tốc, gấp 2 lần so với mấy mươi năm phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Làm mới trên các công trình giao thông mới, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải giải bài toán về vốn, phân kỳ đầu tư hợp lý và tuân thủ kỷ luật, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy hoạch của quốc gia, vùng và địa phương; hình thức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn; năng lực của địa phương, các cơ chế chính sách đặc thù triển khai dự án, tiến độ hoàn thành; trách nhiệm tổ chức thực hiện của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và các địa phương có dự án đi qua... nhằm bảo đảm tính khả thi về cân đối nguồn vốn và tổ chức triển khai dự án, hiệu quả cao nhất; khắc phục tình trạng quyết định đầu tư nhanh nhưng triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí.
Kỳ vọng về một diện mạo mới cho giao thông, nhưng cần nhận diện và vượt qua các thách thức, vừa giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn vừa có cách tiếp cận mới. Việc phát triển cao tốc, đường giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương; yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình mới thật sự khơi thông “long mạch” như kỳ vọng của người dân đồng bằng.
Theo đó, cần ưu tiên: Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ logistics.
Hai là, khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào ngành, nhất là công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa, giao thông thông minh. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số.
Ba là, cần chương trình tín dụng đầu tư phát triển ngành, xem như chính sách hỗ trợ phát triển chứ không đơn thuần là cho vay thương mại để thu hút khu vực tư nhân bên cạnh nguồn lực công.
https://www.sggp.org.vn/ky-vong-moi-tu-nhung-cong-trinh-giao-thong-post674220.html
Nhận xét
Đăng nhận xét