TTO - Dù đạt được những thành tích ấn tượng nhưng nghề nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong như môi trường, công nghệ, con giống, hạ tầng… lẫn bên ngoài, từ các nước sản xuất khác.
Để không bị tụt hậu, theo các chuyên gia, ngành thủy sản Việt Nam cần tái cơ cấu mạnh mẽ ở quy mô vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất con giống chất lượng. Nhưng để nông dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào ba lĩnh vực nêu trên cần phải có quy hoạch rõ ràng, bảo vệ được người đầu tư…
Vừa nuôi vừa lo bị lấy đất
Cách đây hơn 20 năm, ông Nguyễn Hữu Ánh (xã Tân Thành, TP Cà Mau) lần đầu tiên đưa con cá chình về nuôi thử nghiệm ở vùng này. Hợp nước và được chăm sóc tốt, cá chình phát triển tốt và một năm rưỡi sau đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với lợi nhuận rất cao. Sau thành công bước đầu, ông Ánh không ngừng mở rộng các hầm nuôi cá chình của gia đình từ một hầm vài ngàn mét vuông lên tới diện tích 3ha.
Thấy cá chình nuôi đem lại lợi nhuận cao, bà con trong xã cũng bắt đầu làm theo và đưa Tân Thành trở thành vùng nuôi cá chình lớn và có tiếng ở Cà Mau. Người dân trong xã ăn nên làm ra, có tiền mở rộng đầu tư hầm cá, có tiền xây nhà kiên cố sắm sửa đồ đạc.
Nhưng cách đây ba năm, địa phương bàn giao toàn bộ khu vực nuôi cá chình của nhà ông Ánh cùng nhiều gia đình khác cho một doanh nghiệp tư nhân để làm dự án bất động sản. Người nuôi cá chình rất bức xúc vì cơ nghiệp cả đời bỗng chốc bị thu hồi phải di chuyển đi nơi khác nhưng không biết phản ảnh với ai.
Gia đình ông Ánh phải đi tìm vùng mới mua đất để đào hầm, nuôi cá chình trở lại. "Cũng may tôi làm cá chình hơn 20 năm cũng có chút vốn để mua đất, đào ao mới chứ nếu không thì coi như bỏ nghề rồi. Bây giờ sang chỗ mới nhưng cũng lo, lỡ mình đầu tư nhiều rồi mai kia Nhà nước lấy lại thì sao", ông Ánh băn khoăn.
Theo ông Ánh, Cà Mau có lợi thế lớn để nuôi cá chình, kỹ thuật của bà con đến nay rất tốt, nuôi đa số trúng, giá cá chình hơn 20 năm nay ổn định ở mức cao, người nuôi có lợi nhuận. Sản lượng cá chình Cà Mau thuộc loại lớn nhất nhì cả nước, có tiềm năng để xây dựng thương hiệu cho tỉnh.
"Lẽ ra tỉnh nên quy hoạch vùng nuôi cố định và hỗ trợ nông dân làm thương hiệu cho địa phương thay vì thu hồi đất giao cho người ta làm bất động sản", ông Ánh nói và đây cũng là điều lo ngại chung của người nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương ven biển. Dù đóng góp rất lớn vào kinh tế địa phương, quy hoạch nuôi trồng thủy sản đang còn nhiều vướng mắc.
Với các doanh nghiệp, việc tiếp cận được quỹ đất đủ lớn để đầu tư trại nuôi quy mô công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành hiện nay là rất khó khăn. Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước ven biển đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển.
Nhiều địa phương đã có chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác như khai thác tài nguyên (cát) cũng như làm khu công nghiệp, du lịch… khiến không ít người dân tham gia nuôi trồng thủy sản cảm thấy chạnh lòng.
Cần quy hoạch rõ ràng, nhất quán
Theo giám đốc một doanh nghiệp thủy sản tại Sóc Trăng, quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương xây dựng trước năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng đến năm 2021 lại đặt ra vấn đề tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp, dẫn đến nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho ngành nghề khác sử dụng quỹ đất liên quan nuôi thủy sản.
Việc làm đột ngột này dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, mất sinh kế của người nông dân. Chưa hết, do chưa có quy hoạch rõ ràng nên ĐBSCL xảy ra tình trạng mạnh ai nấy nuôi, rất nguy hiểm vì ô nhiễm môi trường, dễ nảy sinh dịch bệnh ảnh hưởng đến cả vùng. Nguyên nhân là do quy mô nhỏ và manh mún như hiện nay, việc thực hiện bền vững thủy sản là điều không dễ.
Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam, cho rằng giá thành nuôi tôm của Việt Nam hiện nay ở mức 80.000 - 100.000 đồng/kg, trong khi Ecuador chỉ có 50.000 - 70.000 đồng/kg. Với chênh lệch như vậy, ngành tôm Việt Nam đang sống nhờ vào sự tiến bộ của các nhà máy chế biến.
"Tương lai các nước đó cũng phát triển ngành công nghiệp chế biến làm khó Việt Nam, nếu không có các giải pháp về chiến lược nuôi", ông Phục cảnh báo và cho rằng cần cơ quan tổng kết kiến thức, công nghệ, mô hình tối ưu để người dân ứng dụng theo, để người dân nuôi từ tự phát thành tự giác.
Theo ông Phục, phải có giải pháp tăng năng suất, giảm giá thành cùng với lực lượng chế biến thì mới cạnh tranh được với các quốc gia khác. Cần có tổ chức nghiên cứu để người nuôi biết và tiếp cận được các công nghệ nuôi tiên tiến nhất để áp dụng.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho biết một thực trạng là các địa phương thường không coi trọng vùng nuôi trồng thủy sản của người dân và doanh nghiệp. Khi có một dự án mới thuộc các lĩnh vực khác như xây dựng, năng lượng hay du lịch có liên quan đến đất thủy sản, địa phương sẽ thu hồi đất nuôi trồng để giao cho nhà đầu tư khác.
Theo bà Minh, điều này là bất công vì nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu lớn và sinh kế cho cộng đồng các tỉnh ĐBSCL mà các dự án khác chưa chắc đã đem lại được. Chưa kể, với tư duy làm chính sách của địa phương như vậy, doanh nghiệp và người dân sẽ không dám đầu tư vào vùng trồng để tạo nên những trại nuôi quy mô lớn, có công nghệ cao giúp giảm giá thành và tăng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.
"Các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng và nhất quán các khu vực phát triển kinh tế khác nhau, trong đó có nuôi trồng thủy sản để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất", bà Minh kiến nghị.
* TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế ĐBSCL):
Quy hoạch chú ý phát huy các thế mạnh thủy sản
ĐBSCL có sự giao thoa giữa hệ sinh thái biển và sông Mekong, tạo nên hệ sinh thái nước mặn, ngọt, lợ, thuận lợi cho phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, vùng này có loài thủy sản đặc hữu như cá tra đã tạo ra kỳ tích và con tôm Việt cũng xuất phát từ vùng này đã xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia trên thế giới, tạo vị thế Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Chính phủ vừa công bố quy hoạch vùng ĐBSCL. Trong đó, ba vấn đề cốt lõi của bản quy hoạch tích hợp đầu tiên cả nước này là việc bố trí lại không gian phát triển; nhận diện và khai thác các nguồn lực phát triển, trong đó tạo ra những nguồn lực mới và thứ ba là cơ chế, chính sách tăng cường liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Sau quy hoạch vùng, các tỉnh cần cụ thể hóa bằng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới mà trước mắt là đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, mỗi địa phương từ bối cảnh không gian và nguồn lực mới, cần chi tiết hóa đâu là thế mạnh của địa phương mình, trong đó nổi lên ngành thủy sản, nghề cá của một số địa phương đang có tiềm năng, thế mạnh và cần tiếp tục phát huy như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre.
Ngoài việc đầu tư cho công đoạn hết sức quan trọng là đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc…) mang tính chủ động, giảm giá thành thì cũng cần phát huy kết quả đạt được, những mô hình làm tốt trong nuôi thủy sản như tôm, cá tra. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục phát huy công đoạn sau sản phẩm chính như nghiên cứu dược phẩm từ thân tôm, vỏ tôm hay sản phẩm, phế phẩm từ cá tra để nâng cao chuỗi giá trị sau sản phẩm chính của loài thủy sản này.
CHÍ QUỐC
https://tuoitre.vn/can-vung-nuoi-thuy-san-on-dinh-20221014223644313.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét