VTV - Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/04/2021 06:05 GMT+7
VTV.vn - Cánh đồng lớn là mô hình liên kết bền vững theo chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo, góp phần xây dựng thương hiệu, giá trị cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.
Cánh đồng mẫu lớn từng được coi là mô hình sẽ nâng hạt gạo Việt Nam lên một tầm mới khi sản xuất lúa hàng hóa trở thành quy mô lớn, đảm bảo sản lượng và chất lượng đồng đều. Kiểm soát được đầu ra đầu vào của cả chuỗi sản xuất lúa gạo cho Việt Nam. Thế nhưng, 10 năm qua từ sự hứng khởi ban đầu mô hình này giờ đang vấp vô số khó khăn và cánh đồng mẫu lớn đang nhỏ lại
Diện tích cánh đồng mẫu lớn ngày càng thu hẹp
Đỉnh điểm của mô hình này là năm 2015, diện tích sản xuất của cánh đồng mẫu lớn ở mức 196.000ha, đến năm 2017 - 2018 chỉ còn 170.000ha, tức là chiếm 1/10 tổng diện tích sản xuất lúa của toàn vùng, trong số đó cũng chỉ có 1/10 diện tích canh tác tham gia mô hình liên kết được xem là bền vững.
Cánh đồng lớn là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Ảnh minh họa: TTXVN
Việt Nam vẫn rất cần mô hình này để có thể tạo nền tảng sản xuất cho hạt gạo Việt. Tuy nhiên, tại sao một mô hình cần lại chưa thể phát triển, được thậm chí dần đi xuống như hiện nay?
Khó nhân rộng mô hình cánh đồng lớn
Theo các nhà khoa học, ĐBSCL chỉ cần xây dựng được 1 triệu cánh đồng lớn trên tổng diện tích gieo trồng hơn 3 triệu ha. Như vậy, chỉ cần đầu tư cho 20 doanh nghiệp lớn với trung bình 50.000 ha/đơn vị, lúc đó, ngành lúa gạo Việt Nam đã có thể chủ động trên thị trường từ dự trữ nguồn hàng đến điều tiết, quyết định giá cả.
TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Cần tập trung các giải pháp đột phá là tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp với HTX, THT, nông dân để đảm bảo cạnh tranh".
Mô hình Cánh đồng lớn đang “teo tóp” dần. Hình minh họa. Ảnh: vanhoadoanhnghiepvn.vn
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chủ yếu vẫn ở phần ngọn là bao tiêu thu mua lúa.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, An Giang, chia sẻ: "Nút cổ chai tại thời điểm thu hoạch, đó là không có tiền mua lúa nông dân nên giá lên xuống; không có đủ hệ thống sấy một lượng lớn khoảng 10 triệu tấn và không có nguồn tài chính ổn định để nông dân làm vụ sau".
Cánh đồng lớn là mô hình liên kết bền vững theo chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo. Ước tính, chỉ cần 1/3 diện tích gieo trồng thực hiện mô hình thì giá trị sẽ tăng lên gấp 3 lần so với hiện nay. Cần là vậy nhưng mỗi nền sản xuất có những đặc trưng riêng chính vì vậy, một mô hình đúng nhưng cách thực hiện phải có sự điều chỉnh hợp lý mới có thể vận hành và phát triển mạnh
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 12/4 với khách mời là ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
Nhận xét
Đăng nhận xét