TTO - Không chỉ là vấn đề quốc tế, để tránh tình trạng đồng bằng 'khát' nước, hơn ai hết, đã đến lúc chính quyền, các cơ quan, tổ chức và người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phải lên tiếng mạnh mẽ và hành động một cách thiết thực.
Sự biến mất của mùa lũ năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ dẫn đến hạn mặn khốc liệt vào mùa khô năm sau. Thiệt hại do hạn mặn sẽ được giảm thiểu nếu chúng ta có cảnh báo sớm và hành động thích ứng hiệu quả.
Dự báo hạn mặn không phải là điều bất khả thi, dù bằng kinh nghiệm của những lão nông tri điền hay đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, theo dõi, dự báo thủy văn.
Nhưng tại sao chúng ta vẫn lúng túng, bị động?
Trước tiên là vấn đề nội tại của vùng. Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận ra, tư duy sản xuất chạy theo sản lượng đã vắt kiệt sức đất, thâm dụng và lãng phí tài nguyên đất.
Mặt trái của các hoạt động kinh tế gây nhiều hệ lụy ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề.
Các "túi trữ nước" tự nhiên Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên bị phá vỡ. Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Trong khi đó, một kế hoạch xây dựng chuỗi các nhà máy nhiệt điện than dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các địa điểm được cảnh báo tác hại nghiêm trọng đến môi trường vẫn đang diễn ra.
Nhưng cảnh báo thì cứ báo, còn hành động thì từ từ, mạnh ai nấy làm, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo.
Để tránh tình trạng đồng bằng "khát" nước, hạn mặn được dự báo nhưng thiếu hành động thích ứng, các tỉnh trong vùng cần nhanh chóng rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, tích hợp vùng, tiểu vùng.
Lồng ghép hiệu quả hơn nữa giữa phát triển nông thôn với đô thị. Cần có chương trình đầu tư ưu tiên cho cơ sở hạ tầng nông thôn miền Tây phục vụ song song hai mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội; đáp ứng nhu cầu về cải thiện sinh kế nông dân nhằm giảm nghèo bền vững.
Ngoài vấn đề nội tại của vùng, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, ngoại giao. Vấn đề nước xuyên biên giới, việc Trung Quốc, Lào xây dựng và vận hành các đập thủy điện tác động tiêu cực đến vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng chúng ta luôn ở thế bị động.
Sông Mekong là con sông quốc tế, là tài sản dùng chung, có giá trị đặc biệt, là biểu tượng đoàn kết của các quốc gia, dân tộc cùng chia sẻ nguồn nước sông Mekong như mạch máu của cơ thể, nguồn sống của cộng đồng dân cư.
Sự tồn tại, phát triển ổn định, hòa bình và thịnh vượng hay xung đột, chia rẽ giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào cách ứng xử như thế nào với con sông quốc tế này.
Hơn ai hết, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ, không chỉ có những hoạt động tham vấn, bày tỏ ý kiến mà cần được nâng cao ý thức bảo vệ lợi ích chung, chủ động đấu tranh bằng các hoạt động thiết thực.
Đây là vấn đề của quốc gia và quốc tế, vai trò của các cơ quan trung ương, Ủy ban sông Mekong quốc gia Việt Nam cần được tăng cường hơn nữa trong công cuộc "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Giải được bài toán căn cơ, nâng cao giá trị khoa học của các cảnh báo sớm mới mong phòng ngừa, thích ứng, nâng cao sức chống chịu của người dân trước những tác động tiêu cực của nhân tai và thiên tai, biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khốc liệt hơn.
https://tuoitre.vn/khat-nuoc-phai-uong-gi-2019073108584296.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét