Trần Hiệp Thủy
Trong lúc Quốc hội đang bàn thảo sôi nổi, cử tri bức xúc về hiệu quả đầu tư công, thì một thông tin làm giật mình nhiều người: Nhu cầu vốn để thực hiện danh mục các dự án đầu tư công trong năm 2012 theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương lên đến... 300 tỉ USD.
TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – nhận xét: Với một nền kinh tế quy mô chỉ hơn 105 tỉ USD như VN hiện nay, toàn dân phải không ăn gì, tiêu gì trong 3 năm mới đủ đáp ứng “nhu cầu đầu tư công” nêu trên chỉ trong 1 năm. Lâu nay, trong các dịp tổng kết, người ta thường quen thuộc với điệp khúc về tốc độ tăng trưởng GDP của ngành hay địa phương như là chỉ số quan trọng nhất.
Đọc thêm trên Thời báo Kinh tế việt Nam: THU HÚT FDI - VÌ SAO ĐỊA PHƯƠNG "THÍCH" DỰ ÁN TỈ USD?
Đọc thêm trên Thời báo Kinh tế việt Nam: THU HÚT FDI - VÌ SAO ĐỊA PHƯƠNG "THÍCH" DỰ ÁN TỈ USD?
Để khẳng định thành tích, các tỉnh, thành, dựa vào con số tăng trưởng GDP đã đành, mà các vùng, miền cũng có (không biết dựa vào cách tính nào hay chỉ là bài toán cộng đơn thuần giữa các tỉnh, thành trong khi cấp vùng không hề có công cụ điều tiết, ngân sách và quản trị) và “chuyện lạ” nay đã trở nên khá phổ biến là có cả con số GDP của cấp quận, huyện.
Khi tốc độ (chứ không phải chất lượng) tăng trưởng GDP được dùng làm thước đo gần như duy nhất cho thành tích phát triển kinh tế thì lẽ tự nhiên, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành sẽ tìm mọi cách để có tốc độ tăng GDP cao hơn, mà cách đơn giản nhất là “xin” vốn đầu tư nhiều hơn để... lấy thành tích trong nhiệm kỳ của mình.
Đã có những cảnh báo về nguy cơ thiếu bền vững của mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của VN, mà một trong những động cơ quan trọng của nó là chủ nghĩa thành tích, lợi ích cục bộ và tầm nhìn ngắn hạn mà di căn là bệnh nghiện đầu tư, thèm dự án. Thực tế đã cho thấy, vốn đầu tư công thường chảy theo sự vận hành của các mối quan hệ và lợi ích cục bộ hơn là dựa vào các nguyên tắc về tính hiệu quả kinh tế hay xã hội. Muốn dẹp bỏ “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba đã chỉ ra, đòi hỏi phải triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên cả nước và ở từng địa phương, từng đơn vị trong nhiều năm, nhưng trước tiên phải tìm cách “cắt cơn nghiện đầu tư, thèm dự án” trong tư duy lãnh đạo.
Cắt giảm đầu tư công là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhưng “cắt giảm nhiều” nên được xem là tiêu chí kiểm điểm về trách nhiệm quản lý, điều hành của lãnh đạo (nhất là các bộ, ngành, địa phương) hơn là thành tích.
Có ý kiến cho rằng, có 2 việc Chính phủ cần thay đổi ngay, là phân bổ vốn đầu tư và cơ chế phân cấp. Trong phân bổ vốn, ngoài việc tập trung dứt điểm mục tiêu tái cơ cấu, cần đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia, vùng, miền để giảm bớt “xin - cho”. Về lâu về dài, phải có luật về quản lý đầu tư nhà nước, nhằm chấm dứt tình trạng ứng trước vốn kế hoạch chẳng khác nào tự ăn vào tương lai của mình.
Tình trạng đầu tư tràn lan hiện nay có nguồn gốc từ chính sách phân cấp quá mức, thiếu giám sát, kỷ luật lỏng lẻo cùng chất lượng quy hoạch thấp. Nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, cấp trên cho cũng như không, vì cơ chế để địa phương tự quyết định đầu tư bằng vốn địa phương, đối với đa số địa phương còn nhận trợ cấp của trung ương là điều không khả thi. Một chiếc “áo pháp lý” mới cho đầu tư công là nhu cầu bức thiết hiện nay, trước hết để “cắt cơn… nghiện đầu tư, thèm dự án” trong tư duy của không ít người.
Nhận xét
Đăng nhận xét