TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Đẩy mạnh liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao
Báo SGGP, Thứ hai, 26/03/2012, 03:33 (GMT+7) | ||||
Tuần qua, sau khi đăng loạt bài “Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi của các chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo ngành chức năng, địa phương nhằm đề xuất những cơ chế mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nông dân... Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, tác giả chính của đề án “Liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà” đã trình Chính phủ. TS Nguyễn Văn Sánh cho biết:
Mô hình liên kết “4 nhà” ở nhiều địa phương đã thực sự phát huy được vai trò của các nhà. Tuy nhiên, hiện các nhà đều có những khó khăn nhất định khiến mô hình này chưa được nhân rộng. Nhà khoa học gặp khó khăn về nguồn lực (cơ sở vật chất, con người và kinh phí) nhưng lại thiếu liên kết giữa viện, trường để phát huy thế mạnh của từng đơn vị; các nghiên cứu còn chồng chéo nhau; nhiều nghiên cứu chưa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ít những nghiên cứu liên ngành nên kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế còn hạn chế. Hướng tới nông nghiệp - nông thôn phát triển bền vững, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về “tam nông”, chúng ta phải khẳng định được nông dân là đối tượng, nông nghiệp là cơ hội, nông thôn là địa bàn (nông thôn mới).
- PV: Thưa tiến sĩ, nói “nông dân là đối tượng, nông nghiệp là cơ hội, nông thôn là địa bàn” là không khó, nhưng để hiểu một cách tường tận vấn đề này là không dễ chút nào?
TS NGUYỄN VĂN SÁNH: Chúng ta phải hiểu vấn đề trên gắn với lợi thế so sánh và đặc thù sản xuất của vùng ĐBSCL. ĐBSCL hiện đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lúa gạo cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu; chiếm gần 70% lượng trái cây của cả nước, hơn 70% sản lượng thủy sản của cả nước và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu. Nông nghiệp cơ hội chính là ở chỗ cây, con có lợi thế so sánh từng địa phương, tiểu vùng và vùng. ĐBSCL là lúa, gạo, cây ăn quả, cá da trơn và tôm. Tây Nguyên là cà phê, cao su và cây công nghiệp.
Nông dân là đối tượng: Nông dân đang canh tác cây gì, con gì, hoàn cảnh của họ ra sao, cách nào nâng cao năng lực của họ. Nông dân phải được nâng cao trong nghề chuyên môn. Trong đó, đào tạo nghề cho nông dân với yêu cầu họ phải nâng cao kỹ thuật sản xuất, năng lực tổ chức sản xuất, kết nối đầu vào đầu ra sản phẩm. Hiện chênh lệch giàu nghèo ở ĐBSCL là 6,4 lần và đang ngày càng rộng thêm. Khi nông dân còn nghèo thì chưa thể có một nền nông nghiệp bền vững, trong đó được quan tâm đầu tiên, trực tiếp là người nông dân phải được hưởng lợi công bằng và được bảo vệ trong môi trường sống ổn định. Tại sao chúng ta đặt vấn đề nông thôn là địa bàn? Hiện nay nông thôn là vùng dễ tổn thương nhất. Xây dựng nông thôn mới chính là một trong những giải pháp ổn định đời sống kinh tế - xã hội lẫn đời sống văn hóa tinh thần ở khu vực này. Xây dựng nông thôn mới thì phải biết đối tượng nông dân và cơ hội tăng thu cho nông dân qua phát triển nông nghiệp là ưu thế để xây dựng các tiêu chí khác trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
- Liên kết vùng là vấn đề đã được đề cập nhiều nhưng tiến triển chưa tới đâu. Thậm chí, đề án do tiến sĩ là tác giả đã được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trình Chính phủ, nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”, nguyên nhân vì sao?
Việc triển khai chính sách “tam nông” là một định hướng tốt để xây dựng mối liên kết 4 nhà và liên kết vùng, giúp ĐBSCL phát triển toàn diện. Đồng thời triển khai việc liên kết là giải pháp toàn cục để thực hiện thành công chính sách “tam nông”. Để ĐBSCL phát triển bền vững thì bên cạnh sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn cần hoàn thiện thêm mối liên kết 4 nhà. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, định ra khả năng tiêu thụ; nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng; nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết.
Xuất phát từ thực tiễn sản xuất và đòi hỏi của cuộc sống, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã nghiên cứu và đề xuất một đề án tổng thể với các dự án: phát triển sản xuất lúa gạo; cây ăn trái, cá da trơn, tôm; nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua đào tạo nghề; cơ chế tổ chức và chính sách thực hiện các dự án trên. Đề án đã được Chính phủ chấp thuận cho triển khai. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn “nghẽn mạch” ở các bộ, ngành liên quan khi triển khai chi tiết.
- Để nâng cao đời sống nông dân, chúng ta cần phải xây dựng mô hình sản xuất mới. Thực tế vừa qua đã hình thành một số mô hình hiệu quả, nhưng để nông sản có giá trị cạnh tranh, công việc sắp tới sẽ còn nặng nề?
Nền nông nghiệp của ta có nhiều cơ hội. Với lợi thế 4 cây, con, hiện nay cũng đã “manh nha” vùng sản xuất lúa và tôm, cây ăn trái và thủy sản. Về cây lúa, mô hình cánh đồng mẫu lớn mới bắt đầu hình thành, cùng với vài điểm như Global GAP Cai Lậy… đã rút ngắn chuỗi giá trị, giải quyết được 4 đúng: chất lượng, giá cả, thời điểm và thị trường. Tuy nhiên, sản xuất lúa vẫn còn bất công trong chuỗi giá trị sản phẩm, nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo; đầu vào, đầu ra sản phẩm vẫn còn bấp bênh, thất thoát sau thu hoạch còn lớn (có nơi đến 13%).
Để sản phẩm lúa gạo ổn định, ngoài cải tiến về phương pháp, mô hình sản xuất; mở rộng thị phần, thị trường theo nhiều kênh phân phối (chất lượng cao, trung bình); cải tiến vấn đề phân tích, dự báo thị trường và phân khúc thị trường để sản phẩm chất lượng cao (Global GAP chẳng hạn) phải khác sản phẩm bình thường. An ninh lương thực (dinh dưỡng, năng lượng) cần phải hiểu rõ hơn; bảo đảm cho người sản xuất ra lương thực phải sống được, có sinh kế phát triển; cải tiến hệ thống thương mại, xây dựng nông thôn mới.
Cơ hội về cây ăn trái, chúng ta có lợi thế so sánh nhưng sản xuất còn manh mún, cần có vùng nguyên liệu ổn định. Ví dụ Bưởi Năm Roi: Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang phải liên kết, chuẩn hóa giống chất lượng cao. Về thủy sản, cá tra hiện có thị trường rất rộng (khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ), tuy nhiên phân phối lợi nhuận chưa đồng đều. Giá đến bàn ăn cuối cùng hiện nay khoảng 17 USD/kg. Trong đó nông dân chỉ có 1,2 - 1,4 USD/kg, doanh nghiệp chế biến 3 - 3,5 USD/kg, còn lại là các khâu trung gian. Điều này dẫn đến lợi nhuận thấp, nông dân dễ treo hầm cá.
- Thưa tiến sĩ, để triển khai được mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao giá trị nông sản, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, sắp tới chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta đã thấy rõ rằng, thời gian qua, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết đã dẫn tới lợi thế so sánh khó khăn, đời sống nông dân khó khăn, kinh tế - xã hội nông thôn phức tạp. Chúng ta phải đẩy mạnh liên kết vùng vì thị trường không có ranh giới, biến đổi khí hậu không có ranh giới. Liên kết vùng với nhiều hình thức (liên kết ngang giữa nông dân với nông dân, liên kết dọc giữa các doanh nghiệp với quản lý chuỗi là nhà nước về cơ chế, tổ chức và chính sách...) sẽ giúp nâng cao chỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, nâng dần lợi thế so sánh. Từ đó mới tính đến chuyện cạnh tranh nông sản với các quốc gia khác.
Để làm được điều này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng (quản lý chuỗi). Nhà nước phải phát huy rõ vai trò nhạc trưởng và đầu tàu trên cơ sở tạo ra các cơ chế, cách tổ chức, chính sách thông thoáng. Nhà nước phải đưa ra thể chế, tiêu chuẩn hóa hàng hóa, quy hoạch đầu tư phát triển, giải quyết môi trường. Đồng thời, cần tăng cường mối liên hệ giữa viện nghiên cứu và trường đại học với các khu vực khác để hỗ trợ khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân.
Mục tiêu cụ thể được xác định như sau: Lai tạo và chọn lọc những giống lúa, cây ăn quả, cá da trơn, tôm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có khả năng chống chịu dịch bệnh và thích ứng với điều kiện khí hậu của từng tiểu vùng sản xuất ở ĐBSCL. Xác định các giải pháp kỹ thuật trong quá trình canh tác và sau thu hoạch để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa gạo, trái cây, cá da trơn và tôm, trong đó, việc nối kết nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng. Nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc huấn luyện và chuyển giao khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý nông nghiệp. Chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp theo phương châm “ly nông bất ly hương”, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phản hồi cơ chế, tổ chức và chính sách về liên kết vùng và liên kết “4 nhà” đến trung ương và các địa phương, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW tại vùng ĐBSCL.
Trần Minh Trường thực hiện
|
Nhận xét
Đăng nhận xét