TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho rằng trong thời gian tới, ĐBSCL cần phải chuyển sang khai thác kinh tế biển và thế mạnh về tiếp giáp biên giới
Dù có nguồn lợi thủy sản dồi dào nhưng đây không phải là lợi thế lâu dài của ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh
* Phóng viên: Thưa ông, đâu là thế mạnh, tiềm năng thật sự của ĐBSCL cần tập trung khai thác?
- TS Võ Hùng Dũng: Lâu nay, khi nói về ĐBSCL, người ta thường cho rằng đây là vùng có tiềm năng về lúa gạo, trái cây, thủy sản. Thực ra, đó là những lợi thế nhỏ của ĐBSCL, trong khi thế mạnh của vùng này là vị trí địa lý nhưng chưa được tập trung khai thác. ĐBSCL tiếp giáp biển Tây, biển Đông và vùng kinh tế năng động của cả nước là TPHCM, đồng thời có đường biên giới chung, rất thuận lợi để phát triển. Mấy năm qua, nông nghiệp của vùng có phát triển nhưng vài năm tới sẽ gặp khó. Công nghiệp thì vẫn còn ì ạch.
VCCI Cần Thơ có một nghiên cứu từ năm 1996-2010, qua đó thấy rằng tận dụng lợi thế vị trí địa lý sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi chia ĐBSCL làm 3 vùng: vùng kinh tế ven biển gồm các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh (vùng 1); TP Cần Thơ và các tỉnh nằm gần TP Cần Thơ: Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp (vùng 2); các tỉnh nằm vùng đệm giữa ĐBSCL và TPHCM: Long An, Tiền Giang, Bến Tre (vùng 3). Trong những năm đầu, vùng 1 có tốc độ tăng trưởng cao nhất, kế đến là vùng 2, cuối cùng là vùng 3. Từ năm 2005 trở đi, vùng 1 tăng trưởng chậm lại; đến năm 2010, vùng 1 tăng trưởng thấp, vùng 2 tăng trưởng nhanh lên và vùng 3 tăng trưởng thấp. Từ đó rút ra kết luận: Trước năm 2005, dựa vào khai thác thủy sản, các tỉnh ven biển có tốc độ tăng trưởng cao. Ngược lại, vùng 3 chỉ sản xuất lúa gạo và một phần dịch vụ nên tăng trưởng thấp. Từ sau khi TP Cần Thơ thành lập (vào năm 2005), đầu tư của Trung ương vào TP này tăng lên, hệ thống giao thông kết nối… đã tác động đến những tỉnh lân cận nên vùng 2 tăng trưởng bứt phá (nhờ dựa vào công nghiệp - dịch vụ ngày càng nhiều). Từ năm 2010-2011, vùng 3 tăng trưởng cao hơn 2 vùng còn lại vì dựa vào công nghiệp và lợi thế vị trí tiếp giáp với TPHCM.
* Vậy ĐBSCL phải làm thế nào để khai thác những thế mạnh đó?
- Phải thay đổi tư duy mạnh mẽ. Nếu như 10 năm trước, chúng ta chỉ nghĩ tới tận dụng nền nông nghiệp và phát triển công nghiệp thì trong thời gian tới phải nghĩ tới kinh tế biển, khai thác lợi thế tiếp giáp biên giới.
Để làm được, cần xây dựng hệ thống giao thông từ Vũng Tàu - TPHCM xuyên suốt đến Cà Mau, Kiên Giang. Khi đó, vận chuyển hàng hóa trong vùng tới cảng biển nước sâu sẽ nhanh hơn, nhu cầu mỗi tỉnh có một cảng sẽ giảm hẳn, giúp giảm chi phí cho vùng. Hành lang kinh tế ven biển hình thành sẽ kết nối tiểu vùng sông Mê Kông, nhờ vậy ĐBSCL sẽ khai thác tốt kinh tế biển, kinh tế biên giới.
Hiện nay, kinh tế biển ở ĐBSCL chỉ mới là khai thác thủy sản chứ chưa hướng tới phát triển lĩnh vực khác, như: du lịch, vận tải, thương mại. Trên vùng ven biển, nếu có tuyến đường vận chuyển thì sẽ có khu kinh tế, cảng biển nối ĐBSCL với bên ngoài. Lúc đó ĐBSCL mới thay đổi được diện mạo.
Đối với việc khai thác các thế mạnh hiện có (lúa gạo, thủy sản, trái cây), cần phải gắn với công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ giới hóa… nhằm tăng năng suất, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với thị trường thế giới. Công nghệ sau thu hoạch giúp giảm bớt tổn thất, cơ giới hóa giúp tiết kiệm nhân lực để có lực lượng lao động dư thừa phục vụ ngành công nghiệp và dịch vụ. Cơ giới hóa trong nông nghiệp còn có thể tạo ra hợp tác quốc tế, “xuất khẩu” được thế mạnh của vùng.
* Vì sao nguồn nhân lực của ĐBSCL được đánh giá là dồi dào nhưng chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội?
- Hiện nay, hầu như tỉnh nào ở ĐBSCL cũng có trường ĐH và trường nào cũng đào tạo đa ngành, chưa chuyên sâu vào một ngành nào để đào tạo được những chuyên gia, chuyên viên cho vùng và cả nước. Vì lẽ đó, năm nào cũng cho “ra lò” hàng loạt cử nhân với chất lượng ngang nhau, gây dư thừa trong tổng thể nhưng lại thiếu phân khúc của một số ngành. Các KCN của vùng cũng vậy, chỗ nào cũng có chế biến thủy sản, dệt may…, không có KCN nào chuyên dụng một loại hàng. Do đó, các KCN kêu gọi đầu tư giống nhau, sử dụng một loại lao động, vô hình trung hút loại lao động này nhưng không đào tạo được thêm loại lao động của ngành nghề khác, dẫn tới thiếu liên kết, thiếu hợp tác, không tạo được sự cạnh tranh.
Ca Linh thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét