Năm 2011, nông nghiệp ĐBSCL tiếp tục đóng góp quan trọng cho kinh tế cả nước với 3 sản phẩm chủ lực: lúa gạo, thủy sản và trái cây đều tăng trưởng kỷ lục trên 3 mặt: sản lượng, năng suất và giá trị. Song, nghịch lý là vốn FDI vào vùng này nói chung, vào khu vực nông nghiệp-nông thôn nói riêng vẫn đang “nghẽn mạch”.
Nhận diện đúng thực trạng, tìm nguyên nhân, có chiến lược, tư duy phát triển và các giải pháp phù hợp, đồng bộ là những vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Cần “hệ điều hành mới”
Bưởi Năm Roi |
Trước dự báo dịch chuyển vốn đầu tư theo hướng tái cấu trúc của các nền kinh tế do những tác động của suy thoái kinh tế, những bất ổn do xung đột khu vực và thảm họa thiên tai. Các trung tâm kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật tiếp tục gặp khó khăn, chao đảo, chồi sụt, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhưng cũng có nhiều vấn đề, các nước ASEAN nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng cường hợp tác khu vực … là những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ để ĐBSCL tranh thủ thời cơ vượt qua thách thức trong thu hút FDI. Nước ta đã vượt qua cột mốc những quốc gia thu nhập thấp, nhưng lại đứng trước nhiều thách thức mới. Tình hình kinh tế đang có nhiều thay đổi mà 3 trụ cột chính là đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp đang được “cơ cấu lại” ... cần có sự điều chỉnh cơ bản chính sách FDI cho giai đoạn mới.
ĐBSCL được xác định là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, kinh tế phát triển năng động, bền vững, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi … Mục tiêu đó đang cần một « hệ điều hành » mới để tăng cường thu hút FDI, đặc biệt vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cho đến nay, trong khi nhiều qui hoạch cấp vùng đã được ban hành, nhưng vẫn chưa có một chiến lược hay qui hoạch thu hút đầu tư FDI nào cho ĐBSCL đã tạo ra lúng túng, thiếu liên kết. Tác nhân gây bệnh « nghẽn mạch » vốn FDI của vùng chính là việc thiếu một chiến lược cho vùng trong chiến lược quốc gia. Tác nhân thứ hai của « căn bệnh » này là cách làm rập khuôn, thiếu năng động theo kiểu kêu gọi chung chung, thiếu gắn kết, đặc biệt là cách tiếp cận vốn FDI vẫn theo tư duy « ranh giới hành chính » như cách « vận động » vốn đầu tư của nhà nước. Tư duy kinh tế vùng trong thu hút đầu tư là động lực để các tỉnh « nắm tay nhau » chia sẻ lợi ích, chia sẻ thị trường, khai thác « lợi thế dùng chung » như cơ sở hạ tầng sân bay, cảng biển, cầu đường, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, tránh đầu tư lãng phí theo kiểu đầu tư cho « tỉnh nào cũng có » để rồi không tỉnh nào có cái đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Sự tiên phong về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong những thập niên tới.
Không gian kinh tế vùng
Lâu nay, việc phân bổ vốn và tổ chức cá hoạt động xúc tiến: đầu tư, thương mại, du lịch chỉ có 2 cấp: quốc gia và địa phương, « bỏ quên » cấp vùng ; trong khi nhà đầu tư nước ngoài thường hướng đến một không gian kinh tế vùng rộng lớn hơn là ranh giới hành chính địa phương. Những « hợp xướng » tạo ra tiếng nói chung của bộ, ngành Trung ương và các địa phương như Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, đề án liên kết vùng, các hoạt động xúc tiến đầu tư theo vùng thay cho hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh để tiến tới một đề án tổng thể xúc tiến đầu tư – thương mại du lịch vùng ĐBSCL với những cơ chế, chính sách đầu tư đặc thù thu hút đầu tư … là những « thuật toán lập trình » mới cần được ứng dụng tốt hơn.
Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài cần dựa trên chiến lược vùng, quy hoạch chung, sự liên kết theo từng chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực và theo vùng. Việc khai thác tốt lợi thế các sản phẩm mũi nhọn: lúa gạo, thủy sản, trái cây, công nghiệp năng lượng, vùng ĐBSCL có thể trở thành địa điểm đánh dấu sự thành công lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Liên kết giữa các tỉnh trong vùng sâu và đạt đến độ có thể biến những lợi thế nổi trội của từng địa phương thành “lợi thế dùng chung” của cả ĐBSCL, sẽ hình thành được phong cách làm việc mới xây dựng một cực tăng trưởng mới của đất nước trong các thập niên tới.
Bên cạnh những giải pháp quy hoạch, kế hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp bảo vệ môi trường; thu hút FDI cũng đang đặt ra yêu cầu đột phá về cơ chế, chính sách mới trong nông nghiệp, nông thôn. Đó là việc dở bỏ chính sách “hạn điền”, cho phép tính tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn, giao đất nông nghiệp “ổn định lâu dài” thay cho có thời hạn chắp vá.
Nhận xét
Đăng nhận xét