Bài đăng trên Báo Lao Động ngày 29-02 và 01-3-2012
Thống kê tại các bệnh viện trên địa bàn vùng ĐBSCL từ đầu năm đến nay, số ca nhập viên tăng nhanh so cùng kỳ năm trước. Các dịch bệnh khác như cúm A/H5N1 và viêm não mô cầu đang là mối lo trước mùa mưa. Trong khi vùng này hiện còn khoảng 60% người dân chưa có BHYT là đối tượng bị “tác động kép” trước “điều chỉnh mới” cho hơn 400 dịch vụ y tế tăng giá từ 7-10 lần. Đâu là căn bệnh của y tế ĐBSCL?
Bài 1. “CHẨN BỆNH” NGÀNH Y TẾ ĐBSCL
Trần Hiệp Thủy
Nông dân ĐBSCL là người lo cho cả nước khỏi đói khi nhận lãnh nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, góp phần cho “an ninh lương thực thế giới”. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ còn là tác giả đưa Việt Nam từ nước thiếu đói thành cường quốc xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây. Nhưng điều nghịch lý bao năm qua chưa có lời giải là việc thụ hưởng dịch vụ y tế, chăm lo khám, trị bệnh cho người dân nơi đây luôn thấp kém hơn so với nhiều vùng, miền khác. Các số liệu thống kê hơn 10 năm qua cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở ĐBSCL không giảm tương ứng với lượng lúa gạo mà cha mẹ chúng làm ra ngày càng nhiều hơn cho xã hội. Tìm nguyên nhân của nghịch lý, các chuyên gia “chẩn bệnh” y tế vùng ĐBSCL chính là nhân lực và cơ sở vật chất yếu kém. Cần “kê toa” và “phác đồ điều trị” phù hợp để chữa dứt điểm căn bệnh này.
Cơ sở vật chất y tế – “căn bệnh ngoại khoa”
Không thể phủ nhận, so cách đây 10 năm, diện mạo y tế ĐBSCL đã có nhiều thay đổi, ngành y tế ĐBSCL đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của y tế cả nước và phục vụ sức khỏe cộng đồng. Hệ thống các bệnh viện từ cấp vùng, tỉnh, huyện và các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư. Một số bệnh viện tư nhân ở khu vực đô thị xuất hiện, góp phần giảm tải các cơ sở y tế công lập. Theo thống kê, toàn vùng có đến 85% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 95% trẻ em được tiêm chủng. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, hệ thống y tế ĐBSCL nói chung và y tế cơ sở vùng này nói riêng đang trong tình trạng báo động. Hầu hết các xã, phường trong vùng đều có trạm y tế, nhà bảo sanh nhưng nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng. Kết quả khảo sát hiện trạng gần đây ở 136 xã của tỉnh An Giang, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế mới đạt hơn 32%, chỉ có 8/136 xã (5,9%) đạt tiêu chí này trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Nhiều địa phương khác trong vùng trong tình trạng tương tự.
Để đưa hệ thống y tế ĐBSCL tiến lên ngang bằng với các vùng miền khác không phải một sớm, một chiều. Ngoài việc Trung ương ưu tiên đầu tư cho “vùng trũng”, các địa phương trong vùng cần chủ động tận dụng từ các nguồn xổ số kiến thiết, an sinh xã hội và hợp tác chặt chẽ, huy động mọi nguồn ngoài ngân sách nâng cấp các cơ sở, trang thiết bị y tế tuyến huyện, xã để giảm tải cho “tuyến trên”, đồng thời quan tâm đầu tư chuyên sâu cho một số trung tâm y tế vùng, cấp tỉnh, liên huyện trong điều kiện nguồn lực đầu tư công hạn hẹp.
Nhân lực y tế - “bệnh nội khoa”
Cách đây 2 năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng thừa nhận: “Nguồn nhân lực y tế ĐBSCL đang hết sức bức bách. Số lượng y, bác sĩ thiếu nên chưa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu còn thiếu nên không phát huy được hiệu quả của các trang thiết bị hiện đại, vừa lãng phí, vừa gây thiệt thòi cho người dân”. Đến nay, tình hình này cơ bản vẫn chưa được cải thiện, cơ sở vật chất yếu kém, nhân lực y tế vẫn thiếu trầm trọng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, bình quân vùng ĐBSCL mới có 4,8 bác sĩ và 0,3 dược sĩ đại học/10.000 dân, còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước (khoảng 6,5 bác sĩ/vạn dân). Chỉ tiêu đến năm 2010 toàn vùng đạt tỉ lê 7 bác sĩ/10.000 không đạt được. Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ các tỉnh, thành trong vùng đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 7-8 bác sĩ/1 vạn dân. Có nghĩa từ nay đến năm 2015, vùng này cần hơn 1.000 bác sĩ đa mỗi năm.
Trong khi đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế vừa qua chủ yếu theo chương trình, dự án đã có từ trước hoặc theo chỉ tiêu của kế hoạch hàng năm. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là nguồn cung cán bộ y tế chủ yếu cho vùng, nhưng khả năng có hạn, chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Hàng năm trường này có khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp, về lý thuyết, không kể “chảy máu chất xám” ra khỏi vùng, mỗi tỉnh được khoảng 60 cán bộ y tế/năm, như “muối bỏ bể”. Trong thực tế, có tỉnh mỗi năm chỉ vài bác sĩ về nhận công tác. Những nỗ lực của ngành y tế trong việc đưa bác sĩ “tuyến trên” về “tuyến dưới” xem ra mới chỉ là giải pháp chắp vá, tạm thời. Nhiều bác sĩ “về quê” trong tâm trạng hụt hẫng do ngoài chế độ lương có phần đãi ngộ, cơ hội nâng cao trình độ không có, mất “cần câu – khám chữa bệnh ngoài giờ”, các chế độ “ABC” đều không có như tuyến huyện và tỉnh. Điều này phần nào lý giải tại sao nguồn nhân lực y tế ở ĐBSCL vẫn đang thiếu hụt trầm trọng. Căn bệnh “nội, ngoại khoa” của y tế đồng bằng đang trong tình trạng rất đáng lo ngại.
Bài 2. "Kê toa" cho y tế ĐBSCL
Bài 2. "Kê toa" cho y tế ĐBSCL
Nhận xét
Đăng nhận xét