Trần Hiệp Thủy
Ngày 26.3, đồng chí Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Quốc gia biến đổi khí hậu (QGBĐKH) - đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL để tìm “tiếng nói chung và thống nhất hành động” để cùng đề xuất Trung ương các công trình, dự án đầu tư trong chương trình ứng phó BĐKH, nước biển dâng của vùng gắn với chương trình đầu tư quốc gia.
ĐBSCL trước thách thức BĐKH |
3 vấn đề quan trọng được lãnh đạo tỉnh, thành đề nghị Trung ương quan tâm là: (1) Đầu tư đê biển từ Bến Tre đến Hà Tiên (Kiên Giang), xác định mục tiêu tổng thể, gắn kết đa mục tiêu (ứng phó BĐKH, cân bằng hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo bố trí sản xuất và ổn định dân cư, đáp ứng nhu cầu giao thông ...). Trên cơ sở huy động sự tham gia của các nhà khoa học, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương để chọn lựa cách làm; (2) Ưu tiên đầu tư các công trình chống ngập tại các đô thị lớn trong vùng (TP.Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long và Cà Mau); (3) Xem xét lồng ghép các mục tiêu thủy lợi, ứng phó BĐKH đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
BĐKH, nguy cơ nước biển dâng là vấn đề toàn cầu, mang tầm quốc gia nên không thể lấy “tư duy tỉnh” để “ứng phó”. Cần một không gian đầu tư vùng rộng lớn hơn ranh giới tỉnh ngay từ việc “hoạch định chủ trương đầu tư”, vừa đáp ứng nhu cầu bức xúc trước mắt, nhưng phải tính đến mục tiêu lâu dài, có phân kỳ đầu tư, tránh mỗi tỉnh làm một kiểu. Các bộ, ngành Trung ương cũng cần xem xét lại tiêu chí “trần vốn dự án đầu tư không quá 200 tỉ đồng”/dự án để các tỉnh “liên kết lại”.
Chính phủ đã xác định tầm nhìn dài hạn và quyết tâm rất cao: Đã ban hành Chiến lược quốc gia ứng phó BĐKH, đề án đầu tư đê biển từ Quảng Ngãi đến Hà Tiên - Kiên Giang, thành lập Ban Chỉ đạo, Ủy ban QG về BĐKH do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch, một Phó Thủ tướng làm Phó Chủ tịch Thường trực để “đủ tầm” chỉ đạo công tác vừa cấp bách, vừa mang tầm chiến lược này. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là thành viên duy nhất đại diện cho vùng ĐBSCL tham gia Ủy ban cũng cho thấy Chính phủ quan tâm xác định vị trí đặc biệt của vùng này trong chiến lược chung của quốc gia. Vị thế đó đang đặt ra yêu cầu vượt lên “tư duy hành chính tỉnh” đến “liên kết vùng” trong chiến lược quốc gia.
Nhận xét
Đăng nhận xét