Lê Vũ Tuấn
Trong vòng 10 năm, cá da trơn Việt Nam gia tăng sản lượng gấp 50 lần, tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 65 lần và hiện chiếm 99,9% thị phần toàn cầu. Trên thế giới, chưa có loại sản phẩm thuỷ sản nào đạt tốc độ phát triển nhanh như thế.
Sau gạo và hơn cả gạo, cá da trơn đã tạo ra kỳ tích trong thời kỳ đổi mới. Kỳ tích ấy đang đứng trước triển vọng thăng hoa, nâng chuỗi giá trị lên gấp đôi, gấp ba nhờ sử dụng công nghệ hiện đại, biến lượng mỡ dư thừa khổng lồ thành các loại sản phẩm cao cấp. Song, phía sau đường bơi của “đế ngư” vẫn còn không ít nông dân “chết chìm” trong biển nợ và phía trước là ẩn hoạ từ biến đổi khí hậu rập rình.
Trong cuộc hành trình dài hơn 4.000 cây số từ cao nguyên Thanh – Tạng chảy ra biển Đông, băng qua lãnh thổ của 6 nước, sông Mêkông hào phóng ban phát biết bao lợi ích cho 90 triệu người thuộc hơn 100 dân tộc sống trong lưu vực, song vẫn dành riêng một món quà lớn cho vùng hạ lưu, mà giá trị của món quà ấy, mãi đến đầu thế kỷ 21, mới được giới khoa học xác tín: ĐBSCL chính là “vùng nước vàng” của hành tinh, nơi nuôi cá da trơn cho năng suất cao nhất thế giới và không đâu trên thế giới, việc sinh sản nhân tạo cá giống cho hiệu quả tốt hơn.
Sản vật thần kỳ
GS Michael Porter - chiến lược gia số 1 thế giới về cạnh tranh - từng nhận xét rằng: Lợi thế cạnh tranh của VN chính là sự khác biệt dựa trên nền nông nghiệp. Có thể coi cá tra là một sự khác biệt mang tính lợi thế tối ưu, khi nhiều nước có đặc điểm khí hậu tương tự, nhưng không thể nhân giống và xuất khẩu thành công như VN.
Dưới áp lực của biến đổi khí hậu, từ nửa cuối thế kỷ 20, nhân loại được khuyến khích chuyển sang ăn cá, thay cho thịt. Sự chuyển hướng này không đơn giản vì cá có nhiều axít béo omega 3, rất cần thiết cho quá trình phát triển não bộ, dồi dào protein, vitamin, khoáng chất rất có ích cho hệ tiêu hóa, tim mạch; mà sâu xa hơn, chăn nuôi gia súc được kết luận là nguyên nhân chính gây nên hiệu ứng nhà kính. Tổng lượng khí thải của quá trình sản xuất thịt quy ra thán khí CO2 chiếm tỉ lệ tới 20% tổng lượng khí gây hại trên toàn cầu.
Nhu cầu ăn cá của nhân loại tăng vọt, đã dẫn đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Cty CP xuất - nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) với một công ty Úc mở đường bơi cho con cá ba sa vươn ra toàn cầu. Năm 1987, ông Ngô Phước Hậu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Agifish – là doanh nhân VN đầu tiên ký hợp đồng xuất khẩu và xây dựng quy trình chế biến cá ba sa tại Agifish dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Úc. Ông cho biết, sau đó có thêm một số nước Châu Á, Châu Âu biết tiếng, tìm qua mua cá ba sa với số lượng ngày càng nhiều hơn. Tình thế lúc đó đặt ra là phải nhanh chóng sinh sản nhân tạo (SSNT) cá giống để có sản lượng lớn đáp ứng.
Thực ra, việc nghiên cứu SSNT cá tra đã được giới khoa học VN tiến hành từ năm 1978 và cá ba sa từ năm 1990. Đầu năm 1995, một đoàn nghiên cứu hỗn hợp gồm Agifish, Viện CIRAD (Pháp) và Trường ĐH Cần Thơ đã theo chân đàn cá ba sa ngược dòng Mêkông hàng ngàn cây số, lên tới tận thác Khone của Lào đẻ trứng. Kết quả: Năm 1996, Trường ĐH Cần Thơ thực hiện SSNT cá ba sa thành công.
Khi nền ẩm thực thế giới bắt đầu ưa chuộng fillet cá ba sa, nhu cầu xuất khẩu tiếp tục tăng vọt, mô hình nuôi cá ba sa bằng nhà bè không thể đáp ứng. Các nhà nhập khẩu nước ngoài đề nghị VN tìm con cá khác thay thế, cuối cùng thống nhất chọn con cá tra. Cá tra trứng nhiều, dễ nuôi hơn cá ba sa, có thể nuôi trong ao hầm rộng rãi hơn nhà bè rất nhiều, thời gian sinh trưởng lại chỉ bằng phân nửa cá ba sa. Chính những lợi thế đó đã khiến con cá tra phát triển với tốc độ vũ bão, trở thành sản vật thần kỳ của VN trên bữa ăn toàn cầu.
Điều độc đáo là việc SSNT cá ba sa, cá tra hầu như chỉ thực hiện được ở ĐBSCL, mọi cuộc thử nghiệm bên ngoài “vùng nước vàng” đều không cho kết quả khả quan. ThS Nguyễn Phước Tuyên – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp – phân tích: “Khi nhiệt độ dưới 25 độ C, cá tra chậm lớn và bỏ ăn. Mỹ, Trung Quốc nuôi cá nheo phải mất 2 năm mới đủ lớn, còn VN nuôi cá tra chỉ cần 6 tháng.
Những nước ngang vĩ độ như Philippines, Thái Lan có điều kiện thời tiết giống y như mình, hiện nay cũng bắt đầu mày mò. Chuyện SSNT họ đã làm được rồi, nhưng nuôi ao hầm, nuôi đăng quầng thì chưa đủ điều kiện để làm. Philippines không có sông lớn như Mêkông. Thái Lan thì có nhánh sông Mêkông chảy qua, nhưng phù sa với bãi bồi không dồi dào bằng mình.
Chủ nhân đích thực
Từ cuối thế kỷ 17, người Việt đã sớm chọn lựa con cá tra làm vật nuôi gia đình, tạo nguồn thực phẩm dự trữ giá rẻ. Ngay cả mô hình nuôi cá bè du nhập từ Biển Hồ, do một số Việt kiều Campuchia hồi hương mang về cũng được họ liên tục cải tiến, bổ sung thành nghề nuôi hoàn chỉnh. Chính đây là cơ sở xã hội sâu sắc và vững chắc, khiến hạ lưu sông Mêkông có sẵn lực lượng lao động nghề cá thiện nghệ, thừa sức đáp ứng bất cứ nhu cầu nào của thị trường xuất khẩu.
Không thể không nhấn mạnh vai trò hỗ trợ đắc lực của giới khoa học, song theo ThS Nguyễn Phước Tuyên, so với kỳ tích xuất gạo, kỳ tích xuất khẩu cá da trơn đã có sự khác biệt rõ rệt giữa công tác khuyến nông và khuyến ngư: “Người nuôi tiếp thu tiến bộ KHKT rất chủ động, rất nhanh. Không chờ Nhà nước tổ chức tập huấn, họ mời chuyên gia xuống tận nhà làm dịch vụ, ký hợp đồng ăn chia đàng hoàng.
So với lúa, gạo, cá da trơn có giá trị hơn nhiều. Xuất khẩu 1 tấn gạo chỉ 400USD, tức 1 ký gạo 0,4USD trong khi 1 ký fillet cá tra hơn 3USD - gấp 10 lần. Nông dân nuôi cá tra năng suất cao, 1ha tới 3-4 trăm tấn, coi như đứng đầu thế giới, rồi tạo ra cá tra thịt trắng, an toàn, không bị nhiễm kháng sinh, không có dư lượng hóa chất. Cái này phải nói là một kỳ tích”.
Tết Tân Mão vừa rồi, ông Đinh Văn Căn (Ba Căn) - người nuôi cá tra nhiều nhất thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) - bỏ ra hơn 10 tỉ đồng xây ngôi nhà “5 tấm” cao nhất chợ để đón rước ông bà và sắm luôn chiếc xe hơi đời mới chở cả nhà du xuân. Xuất thân từ dòng họ nuôi cá truyền thống ở cù lao Long Khánh, bí quyết thành công của người nông dân 54 tuổi, chưa qua khỏi lớp 3 trường làng này là luôn luôn chung thủy với nghề: “Tôi tôn trọng nghề cá từ đó tới giờ. Ai nuôi lỗ nghỉ, riêng tôi thì không nghỉ. Như năm 2008 tanh bành hết trơn, lỗ tới 24 tỉ. Năm 2009 lấy lại, nhưng không nhiều. Năm 2010 mới lấy đủ vốn. Tới Tết Tân Mão, lời cỡ 20 tỉ được".
Ông Ba Căn có 4 người con, tất cả đều theo nghề của cha, tổng cộng quỹ đất nuôi cá lên tới 50ha, vừa nuôi cá giống, vừa nuôi cá thịt. Cá tra nguyên liệu của ông Ba Căn nhiều đến nỗi không nhà máy chế biến nào ở ĐBSCL tiêu thụ hết một mình. Ông luôn là khách hàng lớn, được nhiều Cty tên tuổi săn đón.
“Hồi xưa, lúc còn nuôi bè, tôi có làm ăn với Agifish. Sau này cá nhiều, Agifish bắt hổng hết, mới quay qua Vĩnh Hoàn. Rồi bán cho Hùng Cá nữa. Bây giờ thì cùng IDI ký hợp đồng bao tiêu, cung cấp đều đều mỗi tháng 2-3 ngàn tấn. Việt An tôi bán cũng nhiều, hơn 2 ngàn tấn rồi. Nội dung hợp đồng với IDI là cá của tôi ổng hổng bỏ; nếu ổng lấy hổng hết thì tôi có quyền bán ra bên ngoài" - ông Ba Căn nói..
Nhận xét
Đăng nhận xét