Tỉ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học của ĐBSCL là 32,8%, cao nhất so với các vùng. Nhiều KCN “ăn” đất của nông dân khiến họ mất đất trồng lúa, đã nghèo lại hoàn nghèo. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đánh giá: “Chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL chưa đạt yêu cầu; các chỉ số giáo dục, đào tạo và dạy nghề còn thấp; tỉ lệ đầu tư lĩnh vực này cho vùng chưa cao”.
Vùng trũng về giáo dục, y tế
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), nhìn nhận: “Trình độ nhân lực là điểm yếu kéo dài nhiều năm của ĐBSCL. Ngay từ cuộc điều tra hồi năm 1989, ĐBSCL cũng đã nằm trong vùng có tỉ lệ dân số đi học rất thấp và cuộc điều tra năm 1999 xác nhận một lần nữa việc học hành của dân cư vùng này chưa có biến chuyển đáng kể. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong 10 năm tiếp theo nhưng đến cuộc điều tra dân số năm 2009, tỉ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học của ĐBSCL là 32,8%, cao nhất so với các vùng”.
Năm 2010, bình quân cả nước chi cho giáo dục/người/năm là 3,028 triệu đồng, đồng bằng sông Hồng là 3,543 triệu đồng, Đông Nam Bộ là 5,508 triệu đồng, còn ĐBSCL thì chỉ có 2,006 triệu đồng. “Mức chi cho giáo dục ĐBSCL như vậy là thấp. Nếu Chính phủ không tiếp tục hỗ trợ mà để các địa phương tự vận động thì giáo dục của vùng này tiếp tục thua sút” - TS Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.
Tại nhiều nơi ở ĐBSCL, học sinh rất vất vả khi đến trường.
Trong ảnh: Học sinh ở huyện An Phú - An Giang đi học vào mùa nước nổi
Trong ảnh: Học sinh ở huyện An Phú - An Giang đi học vào mùa nước nổi
Về lĩnh vực y tế, trong những năm qua, vùng đã xây dựng nhiều bệnh viện (BV) như: BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ 700 giường, BV Hậu Giang 500 giường, đồng thời nâng cấp nhiều BV tỉnh như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang… nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, số xã có bác sĩ vẫn còn thấp, mới chỉ đạt 71% (chỉ tiêu của Nghị quyết 21 là 100%).
Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2010 của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ hộ nghèo ở ĐBSCL đã giảm từ 15,3% năm 2004 xuống còn 8,9% năm 2010 nhưng vẫn còn cao hơn tỉ lệ hộ nghèo ở đồng bằng sông Hồng là 6,5%, Đông Nam Bộ (2,2%).
Đất bỏ không, nông dân thất nghiệp
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Đây là điều rất đáng mừng cho nông dân. Tuy nhiên, việc quy hoạch, kiểm tra, theo dõi và tìm cách giữ để diện tích đất lúa đó không bị chuyển đổi luôn là thách thức lớn. Tại TP Cần Thơ, từ năm 2006-2010 đã giảm 6.000 ha đất lúa.
Trong kỳ họp HĐND mới đây, TP này cũng đã thông qua việc giảm tiếp 1.800 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.100 ha đất lúa. Nhiều vùng lúa đang cho năng suất cao đã bị biến thành KCN. Tại ĐBSCL, tỉnh nào cũng có KCN nhưng không ít nơi hiện vẫn chỉ là bãi đất trống. Theo một khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới chỉ cho thuê được hơn 810 ha (tỉ lệ hơn 22%). Các tỉnh, thành ĐBSCL còn thành lập 177 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 15.457 ha.
Trong số này mới có 15 CCN được các doanh nghiệp thuê hơn 700 ha đất (tỉ lệ 4,5%). Như vậy, ĐBSCL đang phung phí gần 17.600 ha đất trong các KCN, CCN (gần 92% diện tích quy hoạch). Đáng chú ý là hàng ngàn hecta đất cặp sông Tiền, sông Hậu từ thượng nguồn đến hạ nguồn vốn được giới khoa học đánh giá rất tốt, cần được bảo vệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng cũng lại được quy hoạch làm KCN. Nhiều khu đất bị bỏ hoang, trong khi nông dân mất đất trồng lúa, phải vất vả chuyển đổi nghề hoặc bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống.
Môi trường bị ô nhiễm
Việc chạy đua mở các KCN, CCN đã gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. TP Cần Thơ hiện có 8 KCN, trong đó 3 KCN đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có KCN Thốt Nốt được đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tại KCN Trà Nóc 1 và 2, sau 15 năm hoạt động vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; nhiều công ty xả thải thẳng ra sông Hậu, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
Không những vậy, người dân sống gần đó hằng ngày phải đối diện với tiếng ồn và mùi hôi thối từ các nhà máy. Chị Huỳnh Thị Mỹ Hiền (ngụ khu vực 4, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) bức xúc: “Hơn 15 năm trước, người dân ven rạch Sang Trắng 1 đều múc nước dưới rạch lên lóng phèn rồi xài. Từ khi KCN Trà Nóc mọc lên, nước thải từ các xí nghiệp, nhà máy chế biến cứ đổ thẳng ra rạch này nên bây giờ nước đen kịt, không ai dám sử dụng nữa”.
Từ thực tế đó, tại một hội nghị do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai các KCN mới trong khi các khu cũ chưa lấp đầy dự án.
Kỳ tới: Mạnh ai nấy làm
Bài và ảnh: Ca Linh
Thu nhập bình quân giảm dần
Theo điều tra của Viện Lúa ĐBSCL, nếu một hộ gia đình trung bình khoảng 5 người trồng 1 ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm, đạt năng suất từ 10-12 tấn, trong đó chi phí chiếm khoảng 50%, chỉ còn lại 6 tấn; nếu tính giá lúa ở mức 6.000 đồng/kg thì mỗi năm thu được 36 triệu đồng. Tính ra hộ đó chỉ còn 3 triệu đồng/tháng, chia cho 5 người trong nhà, mỗi người chỉ được 600.000 đồng/tháng.
Nông dân Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn - Vĩnh Long, than thở: “Làm lúa phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ấy vậy mà phải chờ thương lái định giá. Gia đình tôi trồng chỉ 7 công lúa, mỗi năm thu nhập không bao nhiêu, lại cho con học đại học nên vợ tôi phải làm thêm nghề may vá mới sống được”. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cảnh báo: “Tại miền Bắc, đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng. Còn tại miền Nam, nếu làm ruộng mà cứ nghèo thì lao động trẻ sẽ kéo nhau lên các TP lớn làm thuê”.
Theo thông tin từ hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị diễn ra tại TP Cần Thơ mới đây, giai đoạn 1999 - 2002, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL cao hơn mức bình quân cả nước. Đến năm 2004, mức này chỉ bằng 97,3%; năm 2008 tiếp tục xuống thấp hơn, chỉ còn bằng 94,5% và năm 2010 bằng 95% mức bình quân chung cả nước.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét