TRẦN HỮU HIỆP
Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đang được Quốc hội tập trung thảo luận. “Thành tích” đáng lo ngại là sự phát triển nóng của các trường ĐH: Hằng năm có thêm 11 trường mới ra đời. “Vùng trũng GDĐT” ĐBSCL mỗi năm cũng “đẻ” thêm 1 trường.
Vào năm 2000, toàn vùng chỉ có ĐH Cần Thơ, nay đã tăng lên 12 trường và 2 phân hiệu (của ĐH Kiến trúc TPHCM tại TP.Cần Thơ và ĐH Thủy sản Nha Trang tại tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, còn một số trường đã chính thức có chủ trương thành lập: ĐH Đồng bằng sông Cửu Long, ĐH đẳng cấp quốc tế tại Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ... Theo quy hoạch, đến năm 2020, ĐBSCL sẽ có khoảng 70 trường đại học và cao đẳng.
Theo đánh giá của Bộ GDĐT, ngoài ĐH Cần Thơ tương đối đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu, các trường còn lại đều lâm cảnh khó khăn. Cả nước trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, ĐBSCL càng đáng lo ngại hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê các địa phương trong vùng, trong 8,3% lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật vào thời điểm 2010, số lao động có trình độ CĐ, ĐH chiếm tỉ lệ cao nhất với (4%).
Cần nhấn mạnh rằng, 10 năm qua, số sinh viên ĐH, CĐ tại vùng trọng điểm lúa gạo, thủy sản, trái cây của cả nước này đã tăng lên rất nhanh, cụ thể: Vĩnh Long (tăng 8,5 lần), Trà Vinh (5 lần), Đồng Tháp (4 lần), Kiên Giang và Cần Thơ (3 lần). Sự tăng trưởng này những tưởng mở ra chân trời mới cho con em “Hai Lúa” tiếp cận tri thức mới, ai dè chất lượng đào tạo của các trường ĐH mới thành lập lại có vấn đề.
Một vị lãnh đạo UBND của một tỉnh hiếm hoi ở vùng ĐBSCL chưa có trường ĐH than thở: Biết việc xin thành lập trường ĐH trong điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thiếu thốn chưa hẳn hay bằng cho con em mình học trường chất lượng của tỉnh bạn, nhưng liệu trong tỉnh ủy, HĐND tỉnh, rồi dư luận dân chúng địa phương có “chịu yên” khi xung quanh tỉnh nào cũng có trường ĐH?
Có ý kiến cho rằng, cùng với tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngành ngân hàng, VN cũng cần “tái cấu trúc” mạng lưới ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài biện pháp tăng cường kiểm định độc lập, đưa công tác đào tạo vào thực chất, cần phân biệt rõ giữa ĐH nghề (thực hành) và ĐH lý thuyết như cách các nước Âu - Mỹ đang áp dụng. Bài học tuyển chọn nhân sự của một tập đoàn CNTT nổi tiếng vừa qua - thẳng tay loại bỏ các ứng viên tốt nghiệp ĐH để chỉ chọn công nhân lành nghề cho vị trí mà họ đang cần – chính là câu trả lời cho “nhu cầu xã hội thực chất”.
Nhận xét
Đăng nhận xét