Trần Hữu Hiệp
Theo Tổng cục
Thủy lợi, do địa hình bằng phẳng, cao độ trung bình từ 0,7 – 1,2 m, nên ĐBSCL thường
bị ngập diện rộng với diện tích từ 1,2 – 1,9 triệu ha trên tổng diện tích tự
nhiên 3,96 triệu ha. Những năm gần đây, tình trạng ngập úng đô thị liên tục xảy
ra tại Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long ... Nguyên nhân được nhận diện không chỉ từ
biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn có “sự tiếp sức” của con người.
Sông giữa lòng thành phố Tây Đô |
Nước đã ngập
dưới chân người thành thị
Theo “Kịch bản
biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” do Bộ Tài nguyên & MT công bố,
thì mực nước biển Đông vùng ĐBSCL sẽ dâng lên khoảng 12 cm vào năm 2020, 17 cm
vào năm 2030, 30 cm vào năm 2050 và 75 cm vào năm 2100, có khoảng gần một nửa
diện tích ĐBSCL bị ngập. Nhưng không chỉ là “kịch bản”, tình trạng ngập úng đô
thị đã xảy ra thường xuyên những năm gần đây, thời gian kéo dài từ 2 – 6 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản
xuất, sinh hoạt, đi lại của người dân. Nhiều công trình xây dựng có cao trình
vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000 đã bị ngập. Hàng năm, nhiều nơi trong nội ô thành
phố Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long bị ngập sâu phổ biến từ 0,3 – 1,5 m. Theo khảo
sát của Bộ Xây dựng, nếu vào năm 2000, Cần Thơ chỉ có vài vùng ven bị ngập dưới
30 cm, thì đến năm 2010 có 41/81 tuyến đường, chiếm 50,6% các tuyến đường trung
tâm bị ngập. Nhiều đường chính trong thành phố đã “biến thành sông”. Thành phố
Cà Mau ngập phổ biến 10 - 35 cm. Vĩnh Long có 22 vị trí ngập, do nước mưa chiếm
54%, do mưa + triều cường + lũ chiếm 46%. Các thành phố ĐBSCL đang bị “tác động
kép” do triều cường, nước dâng và mưa, nước thải chậm tiêu thoát.
Con người đã
kéo mực nước lên
Theo Cục Quản
lí đê điều và phòng chống lụt bão Trung ương, tổng lượng lũ năm 2011 ở ĐBSCL chỉ
đạt 80 tỉ m3, bằng 70% tổng lượng lũ năm 2000; nhưng mực nước đo
được trên sông Hậu tại Cần Thơ, trên sông Tiền tại Mỹ Thuận đều vượt đỉnh lũ
năm 2000. Các nhà khoa học đã nhận diện hiện tượng “ngập tràn cục bộ” mà tác
nhân chủ yếu là do tình trạng xây dựng các công trình bờ bao khép kín tiểu vùng
để sản xuất lúa vụ 3, “đeo bám” mục tiêu ngắn hạn tăng sản lượng lúa, cây ăn
trái, nuôi thủy sản … theo kiểu “mạnh ai nấy lo”. Tình trạng này đã phá vỡ các
“túi chứa” nước lũ được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm qua ở vùng đất này. “Hệ
số quay vòng đất cao” trong sản xuất nông nghiệp khiến lũ không vào được nội
đồng để mang phù sa – thiếu “dưỡng chất thiên nhiên” đã làm cho đồng ruộng ngày
càng “suy dinh dưỡng”. Ngập lụt ở nông thôn cũng kéo theo ngập úng đô thị.
Giải pháp
chống ngập đô thị?
Viện Qui hoạch
thủy lợi Miền Nam đã đề xuất nhiều giải pháp chống ngập đô thị vùng ĐBSCL. Đó
là các giải pháp công trình nhằm kiểm soát lũ, triều cường bằng hệ thống đê,
cống đồng bộ, trạm bơm, hệ thống thoát nước … Nhưng quan trọng hơn vẫn là các
giải pháp phi công trình. Trong đó, đề xuất sử dụng phần đất trũng thấp ven
sông, rạch và các hồ để tạo khu trữ, điều tiết nước; tạo vùng đệm; qui hoạch
lại một cách hợp lí và đồng bộ các công trình thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản,
sản xuất lúa, cây ăn trái theo cách tiếp cận vùng, không cục bộ địa phương,
tránh xung đột lợi ích. Đồng quan điểm này, một số chuyên gia nghiên cứu nước
ngoài cũng đề nghị kết hợp giải pháp công trình – phi công trình. Theo đó, khi
xây dựng công trình phải thống nhất mục tiêu kiểm soát lũ, “hy sinh” một phần
diện tích trồng lúa vụ 3, nuôi thủy sản bằng cách cơ cấu lại sản xuất tại một
số tiểu vùng để tạo dựng lại “túi chứa nước” ở khu vực Đồng Tháp Mười trong
điều kiện mới.
Việc chống
ngập tại các đô thị vùng ĐBSCL không chỉ là chuyện “quanh quẩn” ở khu vực đô
thị, là việc của các thành phố, mà cần có cách tiếp cận vùng, là “chuyện lớn”
của cả ĐBSCL và cả nước.
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 13-12-2012
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 13-12-2012
Nhận xét
Đăng nhận xét