Trần Hiệp Thủy
(baodautu.vn)
Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, trọng tâm của
Hội nghị Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL), diễn ra vào ngày 6/12/2012 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế
ĐBSCL năm 2012 (MDEC 2012), là thu hút đầu tư phát triển các chuỗi giá trị nông
- thủy sản.
Tình hình thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) vào ĐBSCL, từ đầu năm đến nay thế nào, thưa ông?
Tính
đến đầu tháng 12/2012, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã thu hút 77 dự án
FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 534,4 triệu USD. Ngoài ra, có 31 dự án
tăng vốn, với hơn 100,8 triệu USD, nâng tổng vốn FDI thu hút mới toàn vùng lên
635,2 triệu USD, chiếm 5,2% vốn FDI mới cả nước.
Đến
nay, toàn vùng ĐBSCL có 736 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 10,6 tỷ
USD (tổng vốn đăng ký FDI của cả nước là 208,115 tỷ USD). Có thể thấy, thu hút
FDI của ĐBSCL còn hạn chế, hiện chỉ hơn vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây
Nguyên.
Vì sao tiềm năng lớn, nhưng thu hút FDI vào ĐBSCL lại hạn chế như vậy?
Thu
hút FDI của ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò, vị trí của vùng do hạ
tầng giao thông yếu kém, nguồn nhân lực hạn chế, lao động qua đào tạo chưa đáp
ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, thiếu liên kết trong vùng để phát huy những
thế mạnh…
Liên
kết vùng luôn là nội dung bao trùm tại các kỳ MDEC. Ông có thể cho biết cụ thể
hơn về vấn đề này?
Liên
kết vùng đã được đặt ra trong các kỳ MDEC gần đây. Đó vừa là mục tiêu, vừa là
động lực để vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ về tổ chức MDEC cũng xác định rõ, diễn đàn này là hoạt động
liên kết mở để tăng tính hợp tác và liên kết vùng, liên vùng với TP.HCM và với
các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và các nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh
tế - xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của ĐBSCL.
Tại
các kỳ MDEC, chúng tôi cụ thể hóa mục tiêu liên kết vùng trong những lĩnh vực,
hoạt động cụ thể để bàn thảo, ra tuyên bố chung và kiến nghị Thủ tướng Chính
phủ. Tiếp đó, tổ chức thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đưa vào
thực tiễn đời sống sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nông dân và các hoạt
động đầu tư phát triển.
MDEC 2012 đặt trọng tâm vào ngành nông nghiệp. Diễn đàn có nội dung gì
mới để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thưa ông?
Tại
MDEC năm nay, với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”,
chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp tăng cường liên kết
hợp tác, đầu tư phát triển vùng ĐBSCL dựa trên các lợi thế phát triển nền nông
nghiệp chất lượng cao và bền vững. Trọng tâm là đầu tư phát triển các chuỗi giá
trị lúa gạo, thủy sản, trái cây… Đầu tư như phát triển du lịch dựa trên lợi thế
sông nước, biển đảo của ĐBSCL cũng được khuyến khích.
Để
hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngoài các hoạt động xúc tiến đầu tư,
thương mại, du lịch, tổ chức các diễn đàn, MDEC 2012 còn tạo điểm nhấn thông
qua hội thảo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực
của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất
cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực;
định hướng và giải pháp để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu, yêu cầu phát
triển bền vững; tập hợp sáng kiến để giải quyết tình trạng sản xuất - kinh
doanh manh mún, nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của vùng, tăng
cường liên kết, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Chúng tôi cũng xác định, cộng
đồng doanh nghiệp là lực lượng chủ lực để thực hiện liên kết vùng ĐBSCL, đảm
bảo hoạt động liên kết thực chất và hiệu quả.
Nhận xét
Đăng nhận xét