(NLĐ) - Biết là kiện thì sẽ khó thắng cơ quan nhà nước nhưng người dân vẫn kiện để bày tỏ sự bất bình mà bao lâu nay họ phải chịu đựng
“Tôi khởi kiện nhằm mục đích chấn chỉnh tình trạng cửa quyền của một số cơ quan Nhà nước”. Câu nói này của ông Nguyễn Văn Lang trong vụ kiện Sở GTVT TPHCM tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-12 đã được đông đảo bạn đọc đồng tình. Vụ kiện này tuy là hiếm hoi nhưng đã phản ánh một thực tế người dân đã dám “chỉ mặt, đặt tên” các cơ quan cửa quyền làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Kiện cho chừa “thói” cửa quyền
Vụ kiện này tuy không thắng lợi như ông Lang mong đợi nhưng có thể trở thành một tiền lệ tốt để người dân có thể thẳng thắn chỉ ra cái sai của các cơ quan chức năng trì trệ. Bạn đọc Quang Minh, bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc kiện các cơ quan công quyền coi thường quyền lợi hợp pháp người dân. Phải dần xóa bỏ suy nghĩ "phụ mẫu chi dân", cần xây dựng xã hội dân chủ mọi người bình đẳng trước pháp luật”.
Bức xúc trước sự việc lập lô cốt trước nhà người dân đến 42 tháng, nhiều bạn đọc nói thẳng: “Đào cái gì mà kinh khiếp vậy. Đào từ khi người ta sinh con cho đến khi con họ đi mẫu giáo mà cũng chưa xong, thử hỏi ai chịu cho nỗi”. Thực tế việc đào lô cốt trong một thời gian dài trên rất nhiều con đường ở TPHCM đã đã làm người dân rất phẫn nộ. Đó là chưa kể đào lên làm cống thoát nước xong thì một thời gian sau đến đơn vị khác đào tiếp làm hệ thống dây cáp điện, điện thoại. Chưa hết, đến đơn vị khác lại tiếp tục đào lên để sửa hệ thống cấp nước...
Bạn đọc Kim Giang, cho rằng: “Ông Nguyễn Văn Lang kiện chủ đầu tư được tòa tuyên bồi thường 50 triệu đồng là một thắng lợi bước đầu. Ủng hộ ông Lang kháng án. Ở nước ngoài khi xử một vụ kiện không chỉ căn cứ vào tài sản hữu hình (vật chất) mà còn căn cứ vào tài sản vô hình (tinh thần). Việc lập lô cốt trước cơ sở kinh doanh thời gian dài khiến việc kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng nguồn thu nhập của gia đình cũng là một thiệt hại cần phải xem xét. Lâu nay ở Việt Nam chưa có tiền lệ bồi thường về giá trị tinh thần, nên chăng tòa cần xem xét thấu đáo để thiệt thòi không thuộc về dân, góp phần xã hội ngày càng văn minh hơn”.
Ông Nguyễn Văn lang tại phiên tòa khởi kiện Sở GTVT TPHCM vào ngày 25-12
Ngán ngẫm với thủ tục thưa kiện cơ quan Nhà nước, bạn đọc Kiều Quyên, phân tích: “Vẫn biết Con kiến mày kiện củ khoai" nhưng có có còn hơn không. Những chuyện làm ăn tắc trách của các nhà thầu (nhất là nhà thầu Trung Quốc) xảy ra nhan nhãn trong xã hội, thiệt hại thuộc về người dân nhưng thủ tục kiện thưa quá ư phiền phức khiến nhiều người chán nản. Từ đó, chuyện tắc trách trở thành đương nhiên, các nhà thầu chỉ biết lợi về phần mình, không cần quan tâm đến người khác. Chuyện này không phải hoàn toàn ở nhà thầu mà một phần do cơ quan quản lý chuyên ngành yếu kém, tắt trách”.
Bạn đọc Xuân Thời, nói thẳng: “Cảm giác cơ quan chức năng không phải đào đường mà là đào... ngân sách. Đời giám đốc này đào đến đời giám đốc sau lấp lại đào lỗ khác... Tập trung dồn dập vào cuối năm để kịp chỉ tiêu ngân sách. Mỗi năm tiền đào đường không biết bao nhiêu mà chất lượng công trình thì luôn có vấn đề. Bây giờ cứ theo gương bác Lang kiện cho ra ngô ra khoai thì mấy cơ quan liên quan mới hết hành dân”.
Lửng lơ quyền lợi của người dân
Trước việc tòa tuyên chỉ bồi thường cho ông Lang 50 triệu đồng tiền sửa chữa nhà mà không tính đến những thiệt hại khác mà gia đình ông phải gánh chịu, nhiều bạn đọc cho rằng điều này là không công bằng.
Bạn đọc Xuân Thời, cho biết: “Đã không xử thì thôi, đem ra xử thì phải công bằng. 50 triệu đồng không thể sửa nhà đã lún nứt dù đó là nhà cấp 4. Việc kinh doanh của ông Lang dù thiếu lý nhưng nó cảnh báo sự phẫn nộ của người dân trước những công trình rùa và coi thường "xóm giềng" có hệ thống của các chủ đầu tư”. Bạn đọc Quốc Thịnh cùng quan điểm, bày tỏ: “Tòa gì mà giỏi thiệt, 42 tháng án ngữ cái lô cốt trước nhà người ta mà nói không có căn cứ đòi bồi thường. Kinh doanh mua bán nhờ đường thông hè thoáng thì khách mới ghé vào ăn uống mua bán chứ. Lập luận kiểu của tòa thì “bó tay” rồi”.
Bạn đọc tên Nam, phân tích: “Các cơ quan Nhà nước cứ ỷ lại vào việc phục vụ công cộng để làm bình phong cho việc làm trì trệ của mình dù dân có thiệt hại thật sự. Thật đơn giản và dễ hiểu khi ông Lang đang kinh doanh nuôi sống gia đình đột nhiên có cái lô cốt án ngữ trước mặt nhà ngăn cản xe cộ lưu thông thì ai dám vào ăn. Đó là thiệt hại. Con số thiệt hại cụ thể có thể đong đếm được khi khảo sát mặt bằng chung tại khu vực đó. Vì vậy, tòa bác đơn của ông Lang là không thỏa đáng. Phải thay đổi tư duy, thi công chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của dân ở khu vực đó vì thế cần phải có các biện pháp xử lý thỏa đáng để dân không bị thiệt hại quá nhiều”.
Bạn đọc Nguyễn Vân, đúc kết: “Từ sự việc này, đề nghị tất cả các dự án, công trình thi công phải công khai đến người dân thời gian, diện tích, mức độ rung chấn, tiếng ồn, bụi bặm, nước thải và đền bù thiệt hại phát sinh về nhà cửa, sinh hoạt, sức khoẻ của người dân do dự án, công trình gây ra. Có như vậy người dân mới được biết, được bàn, được kiểm tra và nếu quá chây ì thì... được kiện”.
Đừng lấy tiền của dân bồi thường
“Tòa đã tuyên bồi thường, nhưng quan trọng là lấy tiền của cá nhân các quan chức Sở GTVT hay lấy tiền ngân sách bồi thường. Nếu lấy tiền ngân sách bồi thường thì huề cả làng: tiền dân trả cho dân” - bạn đọc Nguyễn Quốc Lâm.
“Tòa án phải buộc chủ đầu tư bồi thường thiệt hại cho bác Lang, chứ đừng lấy tiền đóng thuế của dân mà bồi thường. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Bác Lang kiện Sở GTVT TPHCM để chấm dứt nạn cửa quyền của một số cán bộ thực thi” - Hoàng Lan. |
Phạm Hồ
Nhận xét
Đăng nhận xét