TT - Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, bản Hiến pháp do nhân dân phúc quyết sẽ là Hiến pháp thật sự của dân, do dân, vì dân, thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Đại biểu Trần Xuân Vinh - Ảnh: Việt Dũng |
Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (đại biểu Quảng Bình) “việc làm ra Hiến pháp là việc hệ trọng nhất trong tất cả các việc hệ trọng, do vậy Hiến pháp phải do nhân dân làm ra, nhân dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp” đã nhận được sự đồng tình cao tại phiên thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội ngày 16-11.
Ông Cường khẳng định bản Hiến pháp do nhân dân phúc quyết sẽ là Hiến pháp thật sự của dân, do dân, vì dân, thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Quyền lực Quốc hội không thể cao hơn nhân dân
“Ngay tại lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã khẳng định: Việc Quốc hội dự thảo Hiến pháp là được quốc dân giao quyền, sau khi nghị viện phê chuẩn phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Điều này đã thể hiện tư tưởng Hiến pháp 1946 là toàn dân định ra Hiến pháp, Nhà nước không ban hành Hiến pháp cho dân” - đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) nói.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, hiện có hơn 100 nước trên thế giới quy định quyền phúc quyết của nhân dân đối với hiến pháp. Ông cho rằng ghi nhận quyền phúc quyết của nhân dân thì Hiến pháp sẽ có chất lượng tốt hơn, có đời sống lâu dài hơn và cũng thể hiện sự kính trọng của Quốc hội đối với nhân dân.
“Tôi đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua với đa số tuyệt đối phải trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực, bổ sung vào Hiến pháp quyền phúc quyết của nhân dân” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói. Bà Thúy đề nghị xem lại quy định về trưng cầu ý dân bởi nếu chỉ quy định công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân và Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân là chưa có sự phân định giữa quyền lực của Quốc hội và quyền lực của nhân dân. “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng không phải cao hơn quyền lực của nhân dân” - bà Thúy đề nghị.
Ông La Ngọc Thoáng bình luận: “Thực tế Hiến pháp năm 1992 cho thấy có rất nhiều quyền trực tiếp của dân như quyền được thông tin, quyền được tự do hội họp, quyền ngôn luận, biểu tình và các quyền dân chủ gián tiếp như quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm đã không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời”.
Chưa rõ trách nhiệm của Đảng
Dành toàn bộ thời gian phát biểu về nội dung điều 4 Hiến pháp, đại biểu Lê Nam - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa - bày tỏ đồng tình với dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật cũng cho thấy sau mấy chục năm từ khi thống nhất đất nước đến nay, chưa bao giờ Đảng ta đứng trước những khó khăn thách thức và yêu cầu của nhân dân như thế” - ông Nam nhận định.
Theo đại biểu Nam, tình hình đó có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chưa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng một cách đúng đắn, vì vậy mới có các vụ việc đổ vỡ, vi phạm ở tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại, các khu đô thị bỏ hoang, vấn đề khiếu kiện đất đai, các tiêu cực tham nhũng nghiêm trọng chưa được đẩy lùi. “Tất cả hệ lụy đó đều là do thiếu chế độ pháp lý cho hoạt động của Đảng, các tổ chức Đảng và đảng viên” - ông nói.
Đại biểu Nam phân tích: “Tôi xin nêu một ví dụ là người đứng đầu các cơ quan chính quyền bao giờ cũng quản lý điều hành theo pháp luật và theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Phần lớn công việc quan trọng đều có chủ trương của cấp ủy, nếu có sai lầm thì rất khó truy cứu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu phía Nhà nước bởi đồng chí ấy phải chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy đảng. Đó là chưa nói đến thực tế có nhiều trường hợp người ta nhân danh tổ chức đảng, nhân danh đảng vì những động cơ cá nhân nhằm trục lợi thông qua chỉ đạo các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác tổ chức cán bộ”.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề xuất: “Bác Hồ từng là chủ tịch Đảng đồng thời là chủ tịch nước. Hiện nay chúng ta cũng đang thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND. Như vậy chúng ta quy định rõ Đảng cầm quyền thì sẽ thuận tiện trong việc này. Để nhất thể hóa, tôi đề nghị quy định Chủ tịch nước có quyền triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt như đã quy định trong Hiến pháp 1959”.
Chưa rõ “kiểm soát quyền lực”
Đó là nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội. “Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh nguyên lý quyền lực phải được kiểm soát, phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Đáng tiếc là trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nguyên lý trên chưa được triển khai mạnh mẽ” - đại biểu Trần Đình Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, nhận xét. Ông đề nghị Hiến pháp cần bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực.
“Ngoài việc có thể quy định thêm ngay trong Hiến pháp lần này các thiết chế như hội đồng hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng độc lập, tôi đề nghị nhân đây Quốc hội nghiên cứu và sửa quy định của Hiến pháp về Viện Kiểm sát nhân dân, trả lại cho Viện Kiểm sát nhân dân chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp mà các bản Hiến pháp 1959, 1980 đã ghi nhận” - ông Trần Đình Nhã nói.
Đồng tình quan điểm trên, trung tướng Trần Văn Độ - chánh án Tòa án quân sự trung ương - cho biết: “Nhiều cử tri khi tiếp xúc với chúng tôi cho rằng nếu có một cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của Quốc hội trực thuộc Quốc hội thì có lẽ những vụ việc như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra”. Ông Độ đề nghị “bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội vì là cơ quan hành pháp, Chính phủ đương nhiên triển khai thực hiện các nghị quyết, luật của Quốc hội, hay nói cách khác hành pháp đã bao gồm chấp hành. Hơn nữa thuật ngữ “chấp hành” dễ bị hiểu nhầm Chính phủ là cơ quan cấp dưới của Quốc hội, trái với nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước”.
Ngoài việc đồng tình quy định các thiết chế độc lập như kiểm toán nhà nước, hội đồng hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng, ông Độ đề nghị “đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương trực thuộc Quốc hội như nhiều quốc gia trên thế giới”.
Dự kiến, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được công bố để lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 1-2013.
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam):
Đập Sông Tranh 2 và quyền được sống của dân
“Kính thưa Quốc hội, nhắc đến đạo trị quốc, đến tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng và Nhà nước ta lấy làm bài học, làm phương châm xuyên suốt để lãnh đạo đất nước trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy nhân dân tin tưởng rằng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và đại biểu Quốc hội sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế với số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống đã được Hiến pháp đề cập. Đó là tính mạng của hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 xảy ra. Đây không chỉ là nỗi lo, là trách nhiệm và trăn trở của chính quyền, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam, các tỉnh, khu vực thành phố ở miền Trung mà còn là trách nhiệm, là đạo đức của Đảng, của cả hệ thống chính trị của chúng ta”.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương):
Tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào trong Hiến pháp. Biết rằng đây là một nội dung nhạy cảm và một cuộc tranh đấu khó khăn lâu dài, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội chín muồi và hết sức cần thiết để chúng ta thể hiện tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền với những chứng cứ lịch sử rõ ràng và sự ủng hộ của phần đông dư luận thế giới.
Với ý chí ngoan cường không dễ bị khuất phục của dân tộc Việt Nam, tôi có niềm tin vững chắc rằng các thế hệ tiếp nối sẽ thực hiện lời tuyên bố của chúng ta hôm nay đó là toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam là bất tử, là bất khả xâm phạm.
|
LÊ KIÊN
Nhận xét
Đăng nhận xét