Ngày 27/12, Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, tổ chức hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua thử thách để hội nhập và phát triển”, với sự tham dự của các Sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình mở cửa thị trường, thực hiện cam kết hiệp định thương mại, hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải vượt qua nhiều thách thức để hướng đến sự phát triển bền vững. Thực tế trong các năm 2011 và 2012, cho thấy biến động giá cả hàng hóa trong nước ngày càng trở nên khó dự đoán, giá cả nhiều loại mặt hàng có sự biến động rất mạnh, điển hình như xăng dầu, nông sản, thủy hải sản, vật liệu xây dựng… Với đặc điểm quy mô nhỏ, nên doanh nghiệp thường chỉ tập trung kinh doanh một vài mặt hàng và khi giá cả biến động, doanh nghiệp dễ dàng bị rơi vào tình trạng khó khăn, làm ăn thua lỗ.
Ông Võ Đắc Khôi, Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, cho biết: Ngành xây dựng có sự liên kết chặt chẽ với lĩnh vực bất động sản, nên khi thị trường đóng băng, ngành này cũng chịu tác động rất lớn. Nhằm vượt qua khó khăn, doanh nghiệp đã phải cẩn trọng trong việc khai thác hiệu quả nguồn vốn; linh hoạt trong hoạt động, trở thành nhà thầu phụ cho các đơn vị lớn; chuyển hướng sang xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng… Nhưng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành xây dựng phát triển trong thời gian tới, ngoài các chính sách vĩ mô của Chính phủ, chính quyền các địa phương nên tạo cầu nối và khuyến khích những nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài liên kết với doanh nghiệp trong nước triển khai dự án, hợp tác đưa lao động ra nước ngoài giải quyết việc làm.
ThS Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cũng đề xuất một số giải pháp để giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh trong năm 2013. Cụ thể, là tăng cường hỗ trợ liên kết doanh nghiệp thông qua những mô hình, cơ chế hiệu quả theo chuỗi giá trị hàng hóa; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cung ứng cho hoạt động tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; có cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào các sản phẩm mũi nhọn; nghiên cứu hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vùng...
GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải giải quyết được vấn đề của đầu vào (nguyên – vật liệu, nhà cung cấp, giá điện – nước…) và đầu ra (công nghệ, chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối…) cho sản xuất. Tuy nhiên, trong từng ngành nghề, lĩnh vực còn tồn tại những khó khăn riêng, nên việc doanh nghiệp cụ thể hóa những vấn đề của đơn vị mềnh để cơ quản lý, hiệp hội và chuyên gia cùng đồng hành tháo gỡ, tư vấn đóng vai trò quan trọng. Điển hình, với ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến… để cải thiện khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm thì việc chứng minh về nguồn gốc, quy trình sản xuất xanh – sạch, thuyết phục người tiêu dùng là giải pháp mà hiện tại nhiều doanh nghiệp trong nước đã áp dụng và đạt được kết quả tốt./.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét